Kiểm tra chuyên ngành vẫn là trở ngại lớn trong việc rút ngắn thời gian thông quan

Thứ Tư, 03/01/2018, 09:15
Hiện tại kết quả đo thời gian giải phóng hàng hóa của các cục hải quan tỉnh, thành phố đang được Tổng cục Hải quan tổng hợp, phân tích, đánh giá qua đó xác định thời gian trung bình giải phóng hàng. 

Đây cũng là một trong những căn cứ khoa học để đề xuất hoạch định chính sách, thực thi pháp luật nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).

Tuy nhiên, Cục Hải quan Đà Nẵng cho rằng, dù việc triển khai Hệ thống một cửa quốc gia về kiểm tra chuyên ngành rất thuận lợi, nhanh chóng để tra cứu giấy phép, giấy chứng nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành, nhưng hệ thống vẫn còn bất cập.

Trong đó, nguyên nhân một phần là hệ thống kết nối thông tin. Hiện nay hệ thống mới kết nối các cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc các bộ, nhưng chưa triển khai đến các tổ chức giám định chuyên ngành.

Trong khi đó phần lớn các tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành thuộc tuần đo được thực hiện bởi tổ chức giám định chuyên ngành, tổ chức giám định chưa tham gia hệ thống một cửa quốc gia. Do đó, việc đăng kí và trả kết quả bằng phương thức thủ công làm ảnh hưởng đến thời gian nộp kết quả kiểm tra của doanh nghiệp (DN).

Thời gian giải phóng hàng nhanh hay chậm phụ thuộc vào cơ quan kiểm tra chuyên ngành (ảnh minh hoạ).

Trong khi đó, Cục Hải quan Quảng Ninh cho rằng, một trong những nguyên nhân tác động đến thời gian giải phóng hàng là chính sách quản lý XNK. Đối với hàng NK thuộc diện có điều kiện (kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm dịch, kiểm tra, vệ sinh an toàn thực phẩm...) theo quy định của các bộ, ngành chức năng còn nhiều, một số mặt hàng phải lấy mẫu đi kiểm tra chất lượng tại Hà Nội hoặc Hải Phòng, yếu tố này ảnh hưởng lớn đến thời gian thông quan hàng.

Mặc dù đã triển khai hai trung tâm kiểm tra chuyên ngành tại Cái Lân và Móng Cái, nhưng tác dụng còn hạn chế, việc phân tích, kiểm tra vẫn phải tiến hành tại trụ sở các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, nơi có phòng thí nghiệm với máy móc đầy đủ.

Ngoài ra, dưới góc độ quản lý hải quan, một số yếu tố gây chậm trễ từ quy trình thủ tục như: Đối với một số lô hàng XK, NK thường phải dành một khoảng thời gian để hướng dẫn cho một số DN về bổ sung chứng từ hoặc sửa đổi các lỗi khi khai báo; hướng dẫn về các quy định của các bộ, ngành liên quan đến hàng hóa làm thủ tục…

Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, có nhiều yếu tố tác động đến thời gian giải phóng hàng. Đối với lô hàng đưa về bảo quản, thời gian kéo dài do phụ thuộc vào cơ quan kiểm tra chuyên ngành và thời gian DN nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành; thời gian DN làm thủ tục dịch chuyển, nâng hạ container chứa hàng hóa và xuất trình hồ sơ, hàng hóa để cơ quan Hải quan kiểm tra. 

Chẳng hạn, đối với hàng NK tại Cục Hải quan Đà Nẵng, thời gian thông quan đối với hàng đưa về bảo quản là hơn 18 ngày.

Kết quả này phụ thuộc chủ yếu vào thời gian cơ quan kiểm tra chuyên ngành cấp giấy chứng nhận/thông báo kết quả kiểm tra và thời gian DN xuất trình giấy chứng nhận/thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan Hải quan để thông quan. Nếu như so với kết quả đo thu được ở lần trước thì thời gian thông quan đối với hàng đưa về bảo quản chậm hơn (hơn 8 ngày).

Ông Kim Long Biên, Phó Trưởng ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, kết quả đo thời gian trung bình giải phóng hàng là căn cứ để ngành Hải quan triển khai một loạt giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan.

Theo đó, trong năm 2018 để kết quả đo thời gian được thuận lợi, một số Cục Hải quan cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với hàng kiểm tra chuyên ngành đến tất cả các bộ, ngành và các tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành được chỉ định; đồng thời về phía cơ quan Hải quan cần nâng cấp hệ thống, đường truyền dữ liệu giữa cơ quan Hải quan, Ngân hàng và Kho bạc.

Phan Đức
.
.
.