Vượt 50 triệu đồng/lượng, giá vàng sẽ diễn biến ra sao?
- Giá vàng trong nước cao hơn thế giới: Đầu tư dễ rủi ro
- Vì sao giá vàng tăng sát mốc 50 triệu đồng/lượng?
- Giá vàng tăng sốc sau khi Iran phóng tên lửa vào khu căn cứ Mỹ
- “Xử sự” thế nào trước hiện tượng giá vàng tăng?
Biểu đồ giá của thị trường vàng thế giới tiếp tục ghi nhận mức tăng mới. Chiều 9/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã lên mức 1.816 USD/oz, tăng hơn 20 USD/oz so với sáng 8/7.
Phản ứng ngay tức thì, giá vàng trong nước liên tục tăng và đến chiều 9-7, kim loại quý màu vàng đã “dập dòm” mốc 51 triệu đồng/lượng. Cụ thể, lúc 16h30, giá bán ra vàng SJC trên thị trường đã đồng loạt vượt 50,5 triệu đồng/lượng, nhiều nơi lên tới gần 50,8 triệu đồng/lượng. Trong đó, Vàng bạc đá quý Sài Gòn vừa cập nhật bảng giá mới, niêm yết giá vàng SJC ở mức 50,40-50,82 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, vàng trong nước đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng có thể còn diễn biến khó lường. |
Giá vàng tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng, song có một điểm đáng chú ý, là nếu như trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước lên cao, thị trường vàng gần như lên cơn sốt khi người người xếp hàng chờ mua vàng. Chênh lệch mua - bán cũng bị kéo giãn lên mức hàng triệu đồng/lượng. Tuy nhiên hiện nay, thị trường vàng vẫn “nguội” dù các công ty vàng đã thu hẹp chênh lệch giá mua - bán để kích thích sức mua. Theo đó, khoảng cách chênh lệch mua - bán chỉ ở mức 400 nghìn đồng mỗi lượng.
Theo các chuyên gia, có diễn biến ngược trên thị trường hiện nay vì người dân tranh thủ khi giá vàng cao đi bán dẫn đến công ty vàng phải thu hẹp giá mua - bán để kích thích sức mua, qua đó giúp tăng thanh khoản nhằm có lượng tiền mặt xoay vòng.
Mới đây, tại đại hội cổ đông thường niên vừa được tổ chức, đại diện PNJ cho biết, họ phải dự trữ khối lượng tiền mặt lớn phòng trường hợp khách hàng đã mua vàng trước đây bán ra. Điều này khiến chi phí lãi vay của PNJ tăng thêm 50 tỷ đồng. Nhận xét về thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng là "hầm trú ẩn" tài chính an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay. Ông Hiếu dự báo, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì giá vàng thế giới sẽ còn tăng tiếp và giá vàng trong nước có thể lên tới 55 triệu đồng/lượng.
Điều này hoàn toàn trùng với những nhận định của các nhà phân tích thị trường trên thế giới. Giá vàng tăng, theo phân tích của giới chuyên gia, có 3 nguyên nhân tác động. Thứ nhất, chứng khoán Mỹ tăng điểm là một trong các lý do làm tăng nhu cầu vàng. Đầu tư vào chứng khoán ở thời điểm này đem lại lợi nhuận lớn cho nhiều nhà đầu tư, nhưng hầu hết họ chỉ đầu tư "lướt sóng" do đang là thời điểm có vô số yếu tố khả năng làm đảo ngược mọi xu hướng chứng khoán. Do đó, nhiều nhà đầu tư không dốc hết hầu bao vào chứng khoán, mà dành một khoản cho vàng để phòng ngừa rủi ro.
Nguyên nhân thứ 2, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ đỉnh dịch thứ 2 quay trở lại khiến người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới đổ xô đi mua vàng tích trữ để phòng chống lạm phát, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc – hai nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.
Thứ 3, căng thẳng địa chính trị cũng là một trong những lý do thôi thúc người dân mua vàng. Trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt thì Mỹ có khả năng sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 3,1 tỷ USD của Anh và EU với mức thuế lên tới 100%. Thông tin này vốn không tốt đối với nền kinh tế, nhưng lại mang lại tác động tích cực cho thị trường kim loại quý.
Các nhà phân tích cho biết, họ kỳ vọng giá vàng sẽ đạt mốc 1.900 USD/oz vào cuối năm 2020 và thậm chí là 2.200-2.300 USD/oz cuối năm 2021. Điều đó có nghĩa là nếu “nhảy vào vàng” lúc này, những nhà đầu tư vẫn kịp lãi thêm khoảng 500 USD/oz. "Tất nhiên, vàng sẽ không tăng theo một đường thẳng, việc phá vỡ mốc 1.900 USD/oz sẽ không dễ dàng", nhà phân tích Austin Pickle của Wells Fargo cho biết.