Vụ Khaisilk cảnh tỉnh cho cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý

Thứ Sáu, 27/10/2017, 21:50
Sự thú nhận của ông Khải đã làm rúng động dư luận và sự bất bình, phẫn nộ của những người đã tin tưởng Khaisilk khi biết mình bị phản bội, lừa dối suốt nhiều năm qua.

Một ngày sau khi Đội Quản lý thị trường số 14, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội kiểm tra cửa hàng Khaisilk trên phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm và tạm thu giữ hơn 50 sản phẩm đang bày bán có dấu hiệu vi phạm, các cửa hàng Khaisilk đều đã đã tạm đóng cửa, dừng mọi hoạt động kinh doanh. 

Tuy nhiên từ vụ việc này đã đặt ra nhiều vấn đề với doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu...

Khaislk vi phạm cả luật pháp và nền tảng đạo đức doanh nghiệp

Dù ông chủ của Khaisilk đã lên tiếng xin lỗi khách hàng nhưng lời xin lỗi này không xoa dịu được dư luận và người tiêu dùng, những người từ nhiều năm nay đã chấp nhận bỏ tiền ra mua sản phẩm với niềm tin vào thương hiệu Việt.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 27-10 về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng những hoạt động của doanh nghiệp, ngoài yêu cầu của luật pháp, còn phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp. Hành vi của doanh nghiệp Khaisilk như báo chí phản ánh, có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp.

"Đạo đức doanh nghiệp là khái niệm hơi trừu tượng, khó định nghĩa ngắn gọn, nhưng có những nền tảng rất cơ bản là tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, trung thực trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Hiện nay các cơ quan quản lý, chức năng của Cục quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và của Hà Nội đang tiến hành xác minh, làm rõ vi phạm của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Chiếc khăn đóng cả mác Khaisilk và mác Trung Quốc

Theo Bộ trưởng Công Thương, vụ việc của Khaisilk chưa kết luận cụ thể được mức độ vi phạm đến đâu, những nội dung gì và ở mức độ nào, nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị thương hiệu của sản phẩm nói riêng cũng như thương hiệu Việt nói chung.

Nhưng sơ bộ nhận thấy, như báo chí phản ánh, doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng cách kinh doanh hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu; làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và do đó cũng làm tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn- Đoàn Luật sư Hà Nội, lâu nay sản phẩm lụa của Khaisilk được rất nhiều người yêu thích, tín nhiệm trong đó có khách nước ngoài. Vì vậy sự thú nhận của ông Khải đã làm rúng động dư luận và sự bất bình, phẫn nộ của những người đã tin tưởng Khaisilk khi biết mình bị phản bội, lừa dối suốt nhiều năm qua.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, khách hàng cũng nên đề cao tinh thần trách nhiệm của mình trình báo với cơ quan có thẩm quyền nếu có mua hàng tại  Khaisilk, đề nghị xử lý và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật  góp phần đấu tranh với các hành vi gian dối, gian lận của những thương nhân thiếu đạo đức.

Các cửa hàng Khaisilk hiện đã tạm đóng cửa

Có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

Từ vụ việc này, đã đặt ra nhiều vấn đề với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, việc để Khaisilk vi phạm trong một thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý còn có trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, thuế, chính quyền địa phương.

Còn theo luật sư Trương Anh Tú, các cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Khaisilk, tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để việc Khaisilk bán mặt hàng không đúng với nhãn hiệu, nguồn gốc đã đăng ký thì các cơ quan chức năng cần phải tiến hành chức năng kiểm tra, giám sát triệt để, hơn nữa bên cạnh đó cần phải có thêm sự “khó tính” của người tiêu dùng. 

Việc “tẩy chay” hoặc thiếu tín nhiệm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng sẽ là động lực để cho các doanh nghiệp nói không với việc sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện đến nay đã được hơn 6 năm, tuy nhiên để luật tiếp tục đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm. 

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã xác định nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. 

Ở đây có trách nhiệm quan trọng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc tuân thủ pháp luật; trách nhiệm của cơ quan quản lý và cơ quan chức năng; trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, các cơ quan chức năng trong đó Quản lý thị trường cần vào cuộc để kiểm tra làm rõ, vi phạm đến đâu xử lý đến đó theo đúng quy định của pháp luật. 

Các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền để thanh, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm; trên thực tế đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng giả, trong đó có giả về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng giả nguồn gốc xuất xứ vẫn còn nhiều, kể cả những mặt hàng liên quan đến sức khỏe và có giá trị.

 "Vì vậy, tôi rất mong các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý. Vừa qua, nhiều vụ được phanh phui là từ báo chí và người tiêu dùng", ông Hùng kiến nghị.

Thừa nhận cơ quan quản lý có phần trách nhiệm khi tình trạng này diễn ra nhiều năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng một thực trạng đáng lưu ý đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập là ý thức, hiểu biết pháp luật Việt Nam và quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và xuất xứ hàng hóa còn rất yếu.

“Sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm của vụ việc này, chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là của Bộ Công Thương, trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật, vai trò của Bộ trong tham mưu chính sách”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định. 

Một vấn đề được nhiều người đặt ra trong vụ việc này, đó là có thể chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự được hay không? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục xác minh, làm rõ để đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới có thể có cách xử lý phù hợp”. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, đây là hành vi rất nghiêm trọng. Cơ quan Công an cần khẩn trương thu thập thông tin, điều tra xác minh nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm của ông Khải và các cá nhân/ tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Ngày 27-10, các đơn vị Cảnh sát kinh tế, thuế, quản lý thị trường, hải quan đã phối hợp để mở rộng điều tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Khaisilk gồm việc nhập khẩu, kê khai thuế, hóa đơn hàng hóa... Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu Cục Thuế Hà Nội báo cáo "đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ thuế của Tập đoàn Khaisilk". Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết Bộ Công thương đã chỉ đạo đơn vị quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng của Tập đoàn Khaisilk nên "tiếp theo có phần việc của thuế". Ông Trí cho biết ít nhất sang tuần, có thể có thông tin cung cấp tới báo chí.
Anh Phương- Tân Lương- Lệ Thúy
.
.
.