Trước và sau Tết, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Thứ Năm, 18/02/2021, 09:02
Tết Nguyên đán Tân Sửu, lượng hàng hoá dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, thị trường diễn ra ổn định, không có tình trạng “khan hàng, sốt giá”.


Hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là đã chủ động nguồn hàng tại các địa bàn ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai trong năm 2020 và đặc biệt là kịp thời cung ứng tại các địa bàn có dịch bệnh bùng phát trở lại. 

Có được kết quả này, từ rất sớm, cơ quan quản lý, nhà cung cấp và bán lẻ đã chủ động nguồn hàng và triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Hàng hóa tươi ngon, phong phú, dồi dào, giá cả ổn định.

Có mặt tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông (Hà Nội) trong ngày mùng 5 Tết, người dân đi mua sắm đã tăng hơn những ngày trước, người dân tuân thủ quy định về phòng chống dịch khi đi mua sắm, hàng hoá phong phú, giá cả ổn định. Thực phẩm và rau xanh là nhóm ngành hàng được tiêu thụ nhiều nhất. 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Nội cho biết, siêu thị mở cửa từ sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong những ngày Tết, lượng người tới không đông như mọi năm. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch COVID-19, trong những ngày Tết, khách hàng chuyển sang đặt hàng qua điện thoại và trực tuyến lại tăng mạnh. Đây là tín hiệu tốt trong tiêu thụ hàng hoá cho hệ thống siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) cho biết, siêu thị mở cửa từ sớm, hàng hoá tươi ngon, giá cả ổn định nên năm nay gia đình không mua sắm nhiều, ngày nào đi mua ngày ấy. Dịch diễn biến phức tạp thì gia đình sẽ chuyển qua đặt hàng qua điện thoại để siêu thị giao tận nhà cũng giúp đi chợ thuận tiện hơn. 

Theo đó, giá mặt hàng lương thực giá ổn định, các loại gạo tẻ thường từ 13.500 -14.000đ/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000 - 36.000đ/kg; giá thịt lợn thăn ở mức 140.000 - 170.000đ/kg; thịt bò thăn loại I ở mức 290.000 - 330.000đ/kg; giá gà lông dao động từ 110.000 - 130.000; tôm sú từ 350.000 - 500.000đ/kg (tùy loại); cá chép từ 65.000 - 80.000đ/kg, cá trắm từ 60.000 - 85.000đ/kg.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi, nhiều người đã chủ động hạn chế ra đường, tập trung nơi đông người. Nắm bắt được xu thế đó, BRT đã triển khai và đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng online, phục vụ tận nơi, góp phần thúc đẩy kênh tiêu thụ và phòng chống dịch hiệu quả. Giúp người dân thuận tiện hơn trong mua sắm hàng hoá thiết yếu. Trong dịp Tết và cho tới mùng 5 Tết, theo ghi nhận của hệ thống lượng đơn hàng khá tốt. Hay tại hệ thống VinMart/VinMart+, lượng hàng hóa mua sắm qua mạng đã tăng tới 200% trong dịp Tết.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, từ trước Tết, các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng nhân lực tại các bộ phận, đồng thời tăng thời gian mở cửa bán hàng 2-4 giờ mỗi ngày. Bên cạnh các siêu thị AEON, các cửa hàng tiện lợi như: Circle K, Family Mart… cũng mở cửa xuyên Tết. Ngày mùng 2 Tết, nhiều siêu thị đã mở cửa trở lại. Cho tới ngày mùng 4 Tết, toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã hoạt động bình thường trở lại.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong ngày mùng 5 Tết (tức ngày 16/2), thị trường hàng hóa đã sôi động hơn ngày mùng 4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên người dân vẫn hạn chế đi mua sắm, nhu cầu tiêu dùng chưa cao. 

Tại các hệ thống siêu thị, giá mặt hàng thực phẩm giữ ổn định so với thời điểm sát Tết. Đối với cửa hàng trực thuộc của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường. Tại các chợ truyền thống, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, thủy hải sản), rau củ, hoa quả cũng đã bán hàng trở lại nhiều hơn, nguồn cung dồi dào, không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Đánh giá về tình hình thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu, ông Trần Duy Đông nhận định, nguồn cung và giá cả các mặt hàng nhìn chung ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả một số hàng hóa thiết yếu có tăng nhẹ, phù hợp với quy luật cung cầu thị trường, song không có đột biến. 

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, giá cả các ngày trong và sau Tết không biến động nhiều. Hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; trong đó, mặt hàng gạo luôn được chú trọng và được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường.

Một trong những lý do khiến thị trường hàng hóa những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu có diễn biến ổn định là nhờ sự chủ động của cơ quan chức năng, các nhà cung cấp và đơn vị bán lẻ. 

Theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố cùng 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá thông qua 12.443 điểm bán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với năm 2020). 

Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu (tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó khi thị trường có biến động.

Theo báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường, tính đến 11h ngày 16/2, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Lưu Hiệp
.
.
.