Thị trường hàng hóa trước và sau Tết không có biến động lớn

Thứ Sáu, 31/01/2020, 10:32
Trong dịp Tết, mặc dù sức mua trên thị trường tăng khoảng 10 – 20% tùy nhóm mặt hàng, tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc chủ động và tích cực của các Bộ, nên về cơ bản nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng tăng giá đột biến, thị trường trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cơ bản bình ổn, không có biến động lớn, đặc biệt là đối với mặt hàng thịt lợn.

Hàng hoá phong phú, sức mua tăng

Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường hàng hóa Tết Canh Tý 2020 khá sôi động, nhất là trong tuần từ sau ngày 23 tháng Chạp, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10 - 12% so với Tết năm 2019. 

Các hàng bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, riêng mặt hàng bia, rượu do sức mua thấp hơn (ảnh hưởng của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và thời tiết lạnh vào những ngày cận Tết) nên giá giảm nhẹ, các mặt hàng khác nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến từ 6.200-8.200 đồng/kg. Giá gạo tẻ thường ở mức 11.000-13.500 đồng/kg; gạo xi dẻo 13.500-15.500 đồng/kg; gạo Bắc Hương có giá 16.000-18.000 đồng/kg; gạo tám thơm Điên Biên có giá 20.500-24.500 đồng/kg; gạo nếp 25.000 - 33.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá bán lẻ trên thị trường gạo trắng thường 25% tấm ở mức 11.000-14.000đ/kg, gạo thơm chợ Đào 16.000 - 22.000 đồng/kg. Trong các ngày nghỉ lễ Tết giao dịch mua bán gạo không nhiều nên mức giá không biến động và bắt đầu từ ngày mùng 5 giá gạo các loại sẽ có xu hướng giảm dần trở về mức giá ngày thường.

Giá thịt lợn phổ biến ở mức: Mông sấn 170.000 - 200.000 đồng/kg (miền Bắc), 130.000 - 140.000 đồng/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 150.000 - 170.000 đồng/kg (miền Nam) 200.000 - 250.000 đồng/kg (miền Bắc); thịt bò thăn loại I từ 280.000 - 350.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000 - 150.000 đồng/kg; giá tôm sú (loại 26 – 30 con/kg) 500.000 - 600.000 đồng/kg, cá trắm 100.000 - 120.000 đồng/kg. Giá thực phẩm chế biến ổn định, giá giò lụa phổ biến ở mức 170.000 - 180.000 đồng/kg; giò bò 280.000 - 330.000 đ/kg; lạp xưởng: 180.000 - 190.000 đồng/kg….

Theo Bộ Công Thương, về cơ bản, thị trường Tết năm nay không có biến động lớn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại vào ngày 1 - 2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân. 

Trong Tết, tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và đã dần trở lại bình thường vào ngày 5, 6 Tết, đặc biệt, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường. 

Năm nay tại các tỉnh phía Bắc do thời tiết rét và mưa lớn nên rau xanh tại các chợ tăng gấp đôi so với những ngày thường. Giá cả hàng hóa nhìn chung ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân, riêng giá dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống ở các điểm danh lam thắng cảnh, đình, chùa, các điểm vui chơi có cao hơn so với ngày thường.

Sau Tết giá cả tại các siêu thị vẫn được giữ ổn định, hàng hoá dồi dào.

Siêu thị mở cửa sớm, giá ổn định phục vụ người dân

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định; đối với cửa hàng trực thuộc của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường. 

Theo ghi nhận tại các siêu thị như: Hapromart, Big C, Co.opmart, VinMart… lượng khách đến mua hàng khá đông. Người tiêu dùng đến siêu thị chủ yếu mua các loại rau củ, thịt lợn, cá tươi để thay đổi món cho những ngày sau Tết. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích khá phong phú, đa dạng kết hợp với một số chương trình khuyến mãi, giảm giá, nên giá cả hàng hóa ổn định so với ngày thường và tương đương với giá trước Tết Nguyên đán. 

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc siêu thị Coopmart Hà Đông cho biết, Coopmart mở cửa từ sáng mùng 2 Tết nhưng từ mùng 2 đến mùng 5 siêu thị chỉ mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Từ ngày mùng 6 Tết (ngày 30-1-2020), lịch hoạt động của Co.opmart trở lại bình thường. Giá cả các mặt hàng tại siêu thị ổn định, giữ giá như trong, trước Tết. 

Trong mấy ngày qua, lượng khách đến siêu thị mua hàng cũng tương đối đông, đặc biệt là sáng mùng 5 Tết, doanh thu tăng gấp đôi ngày mùng 4 Tết. Mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất trong những ngày này chủ yếu là rau xanh, thịt lợn, thịt bò, thuỷ sản và hoa quả. Giá rau xanh và thịt trong Coopmart Hà Đông rẻ hơn ngoài chợ truyền thống nên khách hàng mua rất nhiều, đơn cử giá thịt ba chỉ cắt ngắn giá tại siêu thị là 165.000 đồng/kg. 

“Siêu thị giá cả ổn định, giữ giá như trong dịp trước Tết, rau xanh, thịt lợn, thịt bò đều là hàng mới, giá hợp lý rẻ hơn ngoài chợ truyền thống là do ký kết với các nhà cung cấp lớn, đảm bảo hàng mới, và không tăng giá”, bà Kim Dung nhấn mạnh.

Về mặt hàng thịt lợn, theo báo cáo của các địa phương, nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán về cơ bản đủ cung cấp cho thị trường, không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tăng giá đột biến như những tháng trước Tết. Theo đó, lượng hàng thịt lợn trên thị trường tiếp tục được tăng lên trong vài tháng tới vì nguồn cung đã ổn định, nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp tiếp tục gia tăng để bù phần thiếu hụt trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguồn hàng hóa cung cấp ra thị trường trong dịp Tết không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng “sốt giá”, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết. Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là các mặt hàng nông sản do tình hình sản xuất khá thuận lợi. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.

Bộ Công Thương cho biết, tại một số địa phương hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí tại các địa điểm, trung tâm giải trí, khu du lịch bắt đầu diễn ra, thu hút được nhiều người dân tới tham quan vui chơi, giải trí. 

Qua qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường bám sát địa bàn, duy trì công tác kiểm tra kiểm soát để ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời hàng cấm, hàng lậu, hàng giả… sau Tết Nguyên đán. Trong đó, chú trọng kiểm tra đối với hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng hàng hóa;….

Phan Đức
.
.
.