Tránh rủi ro khi ký hợp đồng thương mại điện tử

Thứ Năm, 05/09/2019, 08:24
Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa đạt 47,11 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK đạt gần 26,6 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2018. Với số liệu trên, nhiều ý kiến cho rằng, XK sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, bởi chưa bao giờ “sân chơi” của các doanh nghiệp (DN) XK lại rộng lớn như hiện nay...

Với vai trò là đại diện cơ quan xúc tiến XK của TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, “ITPC xác định những khu vực thị trường DN cần đẩy mạnh xúc tiến XK trong những năm tới, đó là 2 thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ; Thị trường các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile. Bên cạnh đó, còn có các thị trường mà Việt Nam đang đàm phán FTA.

“Thực tế cho thấy thị trường XK quá rộng. Vấn đề là DN tận dụng điều kiện thuận lợi này thế nào để thâm nhập thị trường và đẩy mạnh XK”, ông Hòa nhấn mạnh.

Nông sản Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn mới được vào thị trường nước ngoài.

“Cần phải nhìn rõ xu hướng tiêu dùng để định hướng XK vào từng thị trường cụ thể”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel. Ông Hoàng dẫn chứng, như người tiêu dùng (NTD) châu Á, với cuộc sống bận rộn, phần lớn họ thích sử dụng các sản phẩm tiện lợi như bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm có hiệu quả nhanh, sản phẩm tích hợp.

Hiện, có đến hơn 96% là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đa phần các DN này có nguồn vốn, công nghệ còn hạn chế nên khả năng tiếp cận cơ hội chưa đạt như kỳ vọng, trong khi thị trường XK mở ra ngày càng rộng lớn.

Ông Trần Tấn Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Hello5 nêu quan điểm: “DN phải chủ động thích ứng để hội nhập tốt hơn. Cụ thể, DN phải chú trọng chất lượng sản phẩm. Chuẩn chất lượng là chuẩn toàn cầu chứ không còn chuẩn của Việt Nam hay chuẩn của khu Đông Nam Á”. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chất lượng sản phẩm trở thành “chìa khóa vàng” để mở cửa và phát triển thị trường nước ngoài. Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay, DN đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, sản xuất theo chuẩn quốc tế, thay đổi cách quản trị DN.

Ông Nguyễn Huy Hoàng cho rằng: “NTD ngày nay phản ứng nhiều hơn trước những vấn đề xã hội như rác thải, trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy nên ở Mỹ và châu Âu cũng gia tăng làn sóng dịch chuyển về phía các thương hiệu quan tâm đến sự bền vững của xã hội”. Ông Phạm Thiết Hòa cũng lưu ý 5 vấn đề quan trọng mà DN cần nắm vững trong các FTA để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro trong XK là: lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và mua sắm công.

Cơ hội thị trường mở ra, song song đó cũng là những tiềm ẩn rủi ro khi DN giao dịch, làm ăn với nước ngoài. Để tránh đối mặt với những rủi ro, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, việc trao đổi giấy tờ đã được chuyển từ bàn giấy sang email, việc thanh toán được thông qua công cụ điện tử và giao dịch từ xa cũng thông qua hợp đồng điện tử.

Hiện, các DN Việt Nam sử dụng Internet rất phổ biến để giao kết hợp đồng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) năm 2018, có 28% số DN tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.

Tại VIAC, đã tiếp nhận và xử lý 2.500 vụ tranh chấp thì trong đó có khoảng 50% liên quan đến hợp đồng  thương mại, 50% liên quan đến XNK. Đáng chú ý, với những vụ kiện có yếu tố nước ngoài thì tỷ lệ DN Việt Nam bị khởi kiện 60%, 40% DN Việt Nam kiện ngược lại đối tác ngoại. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp thương mại chủ yếu là do các đối tác không thực hiện đúng hợp đồng đã ký.

Thúy Hà
.
.
.