Thận trọng để tránh rủi ro trong xuất nhập khẩu

Chủ Nhật, 28/10/2018, 08:41
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài, chưa thẩm tra năng lực của đối tác hoặc chủ quan, thiếu kinh nghiệm dẫn đến nhiều nhiều rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu...

Trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp rủi ro khi giao dịch với các đối tác nước ngoài. Tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đến nay VIAC đã tiếp nhận và xử lý nhiều vụ kiện, trong đó khoảng 50% liên quan đến lĩnh vực hàng hóa (có 60% liên quan đến tranh chấp XNK hàng hóa), còn lại là các tranh chấp ở lĩnh vực xây dựng, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm...

Điều đó cho thấy, nhiều DN Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài, chưa thẩm tra năng lực của đối tác hoặc chủ quan, thiếu kinh nghiệm dẫn đến nhiều nhiều rủi ro trong hoạt động XNK...

“Gần đây, tôi nhận tư vấn cho rất nhiều tranh chấp của các DN có liên quan đến hoạt động XNK. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan đề hồ sơ chứng từ XNK”, luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận xét. Từ kinh nghiệm thực tiễn trong tư vấn, giải quyết tranh chấp của các DN,  luật sư Kính cũng đã “điểm” những mối nguy hiểm để DN dễ dàng nhận diện, để hạn chế những rủi ro.

Khi chọn dịch vụ Logistic để làm dịch vụ xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ để tránh những rủi ro xảy ra. Ảnh minh họa: CTV.

Trong thời gian qua, khi dịch vụ logistic phát triển như vũ bão, theo đó DN cũng được thuận lợi trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà phân phối và người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, luật sư Kính cảnh báo, các DN trước khi chọn dịch vụ logistis thì cần phải tìm hiểu thật kỹ bởi thực tế có không ít DN gặp nạn vì việc này. Có một DN nhập khẩu rất lớn của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam một loại hàng hóa đặc biệt, đóng thuế hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế. DN này đã ủy quyền các hoạt động XNK cho đơn vị logistic làm từ A đến Z, từ việc kê khai hàng hóa, làm thủ tục hải quan, đóng thuế, nhập khẩu và đăng kiểm cho hàng hóa đó.

Thế nhưng, đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, kiểm tra thì mới phát hiện từ năm 2000 đến nay, gần như toàn bộ các bộ chứng từ để nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều giả mạo. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện, họ làm bộ chứng từ nhập khẩu giả mạo mục đích không phải để trốn thuế mà để thông quan hàng hóa. Thực tế, trên các hợp đồng thương mại đều dùng chữ ký số, nhưng hải quan không theo kịp công nghệ 4.0, luôn đòi phải là “chữ ký sống” trên hồ sơ chứng từ nhập khẩu mới cho thông quan.

Chính vì vậy, đơn vị nhập khẩu đã “lách” bằng cách, trên các bộ chứng từ đều ký giả “chữ ký sống” của nhà DN nước ngoài. Đến khi cơ quan điều tra mời đơn vị xuất khẩu nước ngoài đến làm việc thì họ cho biết, đây là chữ ký giả mạo vì họ làm việc trên quy mô toàn cầu, tất cả  đều dùng chữ ký điện tử. Ở nước ngoài không ai dùng “chữ ký sống” nữa. Như vậy, chỉ sau một đêm, DN  lớn ở nước ngoài đã trở thành “mây khói”. Toàn bộ quyền phân phối trước đây đã được đối tác nước ngoài chuyển sang một công ty khác.

Một rủi ro khác mà hiện nay đã xảy ra nhiều tranh chấp đó là liên quan đến hợp đồng thương mại. Phần lớn DN có thói quen làm việc dựa trên sự tin tưởng nhau. Khi khai báo hải quan sẽ xem và đối chiếu các chứng từ XNK phải phù hợp với hợp đồng thương mại. Trong khi, nhiều hợp đồng thương mại quá sơ sài, không phù hợp với chứng từ nhập khẩu. Lúc này, hải quan sẽ đặt vấn đề là hồ sơ chứng từ DN làm sau khi nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam. Vì vậy, DN cần lưu ý trong các hợp đồng thương mại, phải có tất cả các tài liệu liên quan đến bộ hồ sơ nhập khẩu; Về vận đơn tàu, DN cũng  thường mắc lỗi không xem kỹ nội dung nên dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp ra tòa; Về việc mở thư tín dụng hay (L/C) ở Ngân hàng nước ngoài, DN XK cũng cần thẩm định rõ tính pháp nhân của ngân hàng đó. Vì thực tế, đã có DN XK đã bị mất tiền vì mở L/C ở một ngân hàng nước ngoài không có thật.

TS.Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Cơ sở II, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, có hai nhóm rủi ro chính: rủi ro đến từ đối tác kinh doanh và rủi ro chính từ DN. Với các rủi ro từ đối tác, đó là khi DN gặp phải đối tác không có uy tín, không có thiện chí kinh doanh hoặc chiến lược kinh doanh của họ thay đổi. Điều này cũng không tránh khỏi có những DN có ý định lừa đảo ngay từ ban đầu. Vì vậy DN cần cảnh giác, đằng sau sự thuận lợi, sau những bộ chứng từ hoàn hảo là tiềm ẩn sự lừa đảo. Để tránh những rủi ro, DN nên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để tìm hiểu, đảm bảo DN có kiến thức vững vàng trong các giao dịch quốc tế.

T.Hà - N.Cẩm
.
.
.