Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu lao động

Thứ Năm, 30/07/2020, 07:31
Nhật Bản đã chính thức công bố nới lỏng nhập cảnh đối với công dân Việt Nam. Đối tượng được nới lỏng nhập cảnh là những người có mục đích thương mại ngắn hạn, lưu trú dài hạn với đối tượng kinh doanh, trí thức, ngoại giao, lao động có trình độ cao. Đây là những tín hiệu tích cực đầu tiên cho việc khôi phục lại việc đưa lao động đi làm việc tại thị trường lớn này.


Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), 3 thị trường lớn chiếm đến gần 90% số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc vẫn đang có nhu cầu tiếp nhận các lao động Việt Nam.   

Trọng điểm vẫn là các thị trường truyền thống

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì chỉ đạo việc đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), ngay sau khi các thị trường chủ lực này cơ bản đã an toàn, chính sách hạn chế nhập cảnh được dỡ bỏ.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản hướng dẫn mở lại thị trường cho doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này, trọng điểm vẫn là 3 thị trường truyền thống: Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Trong hơn 10 năm qua, hằng năm, số lượng lao động Việt Nam sang 3 thị trường này, chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do vậy, việc khôi phục 3 thị trường này quyết định Việt Nam có đạt mục tiêu đưa 130.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay hay không.

Nhật Bản nới lỏng nhập cảnh đối với công dân Việt Nam là tín hiệu tích cực để sớm đưa lao động trở lại thị trường này.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đến nay, sau khi tình hình dịch có chuyển biến tích cực, giới chủ ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang muốn tiếp tục nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thị trường Hàn Quốc và Đài Loan không áp dụng quy định dừng tiếp nhận lao động nước ngoài nhập cảnh vào làm việc mà vẫn đang tiếp tục mở cửa thị trường cho lao động nước ngoài. Các doanh nghiệp ở khu vực này cũng có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về địa điểm cách ly, thời gian cách ly cũng như việc giám sát thực hiện cách ly cho lao động nước ngoài.

Còn đối với thị trường Nhật Bản, ông Liêm cho rằng, đây là thị trường đang có nhu cầu cao về tiếp nhận lao động Việt Nam, tập trung ở các lĩnh vực: nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm...

“Việc nới lỏng nhập cảnh đối với công dân Việt Nam là tín hiệu tốt để lao động Việt Nam sớm được vào lại thị trường này làm việc. Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25-5. Mới đây ngày 22-7, Nhật Bản đã chính thức công bố nới lỏng hạn chế nhập cảnh đối với Việt Nam. Trong các đối tượng được nới lỏng nhập cảnh có lao động có trình độ cao. Tôi cho rằng, các chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ sớm được nối lại. Việc đưa lao động trở lại thị trường này cũng sẽ sớm được thực hiện”, ông Liêm cho hay.

An toàn cho lao động được đặt lên hàng đầu

Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco), đối với thị trường Nhật Bản, do chính sách hạn chế nhập cảnh, từ đầu năm đến nay, rất nhiều lao động đã ký kết hợp đồng với các nghiệp đoàn của nước này vẫn chưa thể xuất cảnh.

Trước những diễn biến mới của tình hình dịch COVID-19 ở trong và ngoài nước, căn cứ tình hình lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của các quốc gia và vùng lãnh thổ, các kế hoạch đào tạo của đơn vị này vẫn tiếp tục, không vì dịch bệnh mà dừng lại, nếu không thể học tập trung được thì học online.

“Trong thời gian lao động chưa thể xuất cảnh thì doanh nghiệp vẫn tuân thủ đúng theo hướng dẫn và khuyến cáo của cơ quan chức năng. Đối với các lao động đang ở nước ngoài, công ty kết nối thường xuyên với lao động cũng như các cơ quan chức năng ở Việt Nam, Nghiệp đoàn ở Nhật Bản để có thể trợ giúp cho lao động khi cần thiết”, bà Hạnh cho biết.

Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Kết hợp đào tạo bằng hình thức trực tuyến đối với người lao động chưa thể đào tạo trực tiếp.

Đối với thị trường tiếp nhận lao động không có chính sách hạn chế về việc xuất, nhập cảnh, tiếp nhận lao động nước ngoài; đảm bảo việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người lao động trong trường hợp nghi nhiễm, nhiễm bệnh, doanh nghiệp, cần thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách người lao động được hưởng, trách nhiệm người lao động phải thực hiện liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời quán triệt người lao động chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động.

“Bộ LĐ-TB&XH và Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có các chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp cần chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cơ sở chính sách, quy định sở tại về xuất, nhập cảnh và tiếp nhận lao động nước ngoài để đảm bảo người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh”, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.