Xuất khẩu lao động sau COVID-19: Thấp thỏm chờ xuất cảnh

Thứ Sáu, 24/07/2020, 09:13
Thời điểm này, những tín hiệu có phần tích cực từ các thị trường lớn được kỳ vọng sẽ hồi phục hoạt động xuất khẩu lao động và các doanh nghiệp, cũng như người lao động đang thấp thỏm chờ ngày được xuất cảnh.

Theo con số của Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp, đơn vị đã đưa trên 34 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 51% cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, con số 34 nghìn lao động được xuất cảnh là của 3 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch COVID- 19 chưa bùng phát. Từ thời điểm đó, các hoạt động liên quan đến xuất khẩu lao động đã “đóng băng” hoàn toàn do dịch bệnh.

Thời điểm này, những tín hiệu có phần tích cực từ các thị trường lớn được kỳ vọng sẽ hồi phục hoạt động xuất khẩu lao động và các doanh nghiệp, cũng như người lao động đang thấp thỏm chờ ngày được xuất cảnh.

Những tín hiệu tích cực

Dù vẫn đang kiểm soát nghiêm ngặt để phòng dịch nhưng những ứng viên điều dưỡng đầu tiên của Việt Nam cũng đã được cấp visa và nhập cảnh vào CHLB Đức. Đây là những ứng viên của Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á.

Ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á, cho biết chính phủ Đức vẫn dành ưu tiên cho nhập cảnh những người nước ngoài đến Đức để học tập và làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đưa lao động ra nước ngoài làm việc trở lại.

"Trước khi lên máy bay, các bạn đi theo diện này được kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt và khi đặt chân đến nước Đức cũng phải kiểm tra lại trước khi nhập cảnh. Nếu không có nguy cơ nhiễm bệnh, các bạn sẽ đến nơi học tập và làm việc luôn mà không phải cách ly 14 ngày", ông Du cho biết.

Ông Du cũng thông tin thêm rằng những điều dưỡng viên đang làm việc tại Đức được thưởng thêm tiền từ 1.000- 1.500 euro vì đã cống hiến sức lực trong cuộc chiến với dịch COVID-19. Theo ông Du, dù nước Đức vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch COVID-19 nhưng họ vẫn mở cửa cho điều dưỡng Việt Nam. Trong vài tháng tới, những ngành nghề khác chắc chắn sẽ được cấp visa vào nước Đức bởi họ không muốn doanh nghiệp của mình gặp cảnh thiếu lao động sau khi vực dậy từ đại dịch.   

Là thị trường tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam lớn nhất (khoảng 60% số lao động đi làm việc ở nước ngoài), chính vì thế khi Đài Loan “đóng cửa” để chống dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Thế nhưng, những ngày qua những tín hiệu tích cực cũng đã tới từ thị trường này. Sau gần 4 tháng chờ đợi, vừa qua, Công ty Hoàng Long CMS đã đưa được 29 lao động sang Đài Loan theo đơn hàng của nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử xe máy thuộc Tập đoàn Kymco.

“Sau khi sang Đài Loan, các lao động được chủ doanh nghiệp bố trí chỗ ở và cách ly trong 14 ngày trước khi đi làm. Đây là một tin vui, báo hiệu những tín hiệu tích cực cho thị trường rất lớn này”, ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long CMS cho biết.

Cũng theo ông Hưng, không chỉ doanh nghiệp của ông mà một số doanh nghiệp khác cũng đã bắt đầu làm thủ tục cho lao động sang Đài Loan và ưu tiên cho các lao động làm việc trong các ngành sản xuất, một số doanh nghiệp Đài Loan còn sẵn sàng thuê địa điểm cách ly cho lao động Việt Nam.

Đảm bảo an toàn cho lao động xuất cảnh

Nhận định về việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc thời gian tới, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trọng tâm vẫn là các thị trường truyền thống Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bởi 3 thị trường này hiện đang tiếp nhận đến 90% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Phía Hàn Quốc và Đài Loan đều muốn tiếp nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19. Trong khi đó, Nhật Bản đang có nhu cầu lao động rất cao, tập trung ở các ngành nghề: nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm...

“Các nước này cũng đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh thời gian qua. Hiện các bên đang tích cực đàm phán để sớm mở cửa trở lại thị trường. Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp mở lại thị trường, trước mắt là các thị trường đã an toàn và có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam”, ông Liêm cho biết.

Đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ đã có yêu cầu các doanh nghiệp thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách được hưởng và chủ động trao đổi với các đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt, bảo hiểm của người lao động theo hợp đồng đã ký.

Còn với doanh nghiệp, Bộ cũng sẽ đề nghị với nước tiếp nhận lao động có chính sách hỗ trợ việc cấp visa và các giấy tờ khác cho người lao động tiếp tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thông thoáng về hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục lại hoạt động.

“Bộ LĐ- TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, xác định trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước nước ngoài theo hợp đồng. Hiện hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã trở lại và sẵn sàng đưa người đi. Nhiều doanh nghiệp còn sẵn sàng thuê máy bay cho lao động xuất cảnh, chỉ chờ tín hiệu từ các thị trường tiếp nhận. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ an toàn của người lao động là trên hết, chỉ cho phép doanh nghiệp đưa lao động đến những địa điểm an toàn”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.