Tìm giải pháp phục hồi du lịch nội địa
- Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5: Du lịch nội địa tăng đột biến
- Kích cầu du lịch nội địa bằng lợi thế của vận chuyển đường sắt
Trao đổi cùng các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không tại tọa đàm bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa vào chiều 21/5 do Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: Dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được khống chế nhưng ngành Du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép để kích cầu du lịch nội địa, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã khởi xướng kế hoạch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Du lịch nội địa đang được coi là “cứu cánh” của ngành du lịch Việt sau dịch COVID-19. |
Nhiều hoạt động đã được triển khai, nhiều tỉnh chủ động kích cầu ngành như Quảng Ninh, Nghệ An... Trước đó, hội nghị "Thờiđiểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" đã diễn ra thành công với 700 đại biểu tham dự. Tuy nhiên, để phục hồi ngành Du lịch thì cần nhiều việc làm cụ thể như kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công tylữ hành, khách sạn để mang tính cộng hưởng, lan toả…
Về vấn đề này, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nhận định phục hồi ngành Du lịch là khởi đầu cho ngành kinh tế khác nhưng thay vì cứu ngành Du lịch cũ thì phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam. Các gói hỗ trợ quốc gia nhằm phục hồi sau dịch tuy lớn nhưng nếu chia ra thì rất bé. Nếu chia mỗi người 1 giọt sữa có thể sống 100%. Nhưng khi thế giới mở cửa, liệu có ai đứng dậy được để cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới hay không?
Vì vậy, nên tập trung hỗ trợ những người đủ sức khỏe. Đây là tình huống khẩn cấp, khác thường nên không thể “ôm nhau khóc mà chết cả được”. Cần tính ưu tiên cho ai cho hợp lý và phải thuyết phục được chính phủ có những ưu tiên hàng đầu cho các đơn vị như thế…
Ngành Du lịch cũng cần phối hợp với ngành Giáo dục, đề nghị kéo giãn thời gian khai giảng như thế nào vì đây là mùa du lịch cao điểm. Tổng cục Du lịch cũng nên có giải pháp đột phá, chỉ ra được du lịch không chỉ là mũi nhọn phát triển mà còn là mũi nhọn phục hồi…
Về vấn đề này, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airline cho rằng, chặn dịch đã khó, sau dịch làm sao thúc đẩy nền kinh tế, nắm bắt cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong đó có du lịch lại càng khó. Nhưng để phục hồi du lịch sau dịch cần đặc biệt quan tâm về giá sản phẩm và điều kiện để kích cầu. Chưa bao giờ, tổ chức kích cầu du lịch lại thuận lợi như hiện nay lý do là các hãng hàng không, lữ hành, du lịch đang đói việc, đã chuẩn bị sẵn sàng phục vụ trở lại sau dịch. Đây là thời điểm mà các sản phẩm có mức giá tốt chưa từng có trong lịch sử nội địa du lịch Việt Nam. Vấn đề là cần có cơ quan để dẫn dắt.
Cũng theo ông Quang, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sau dịch không thể là một nền du lịch kiểu cũ mà là “nền du lịch bình thường mới”. Phục hồi ngành du lịch để khởi động cho nền kinh tế khác, nơi khác. Tuy nhiên, để khôi phục ngành du lịch thì không chỉ cần có ngành du lịch nỗ lực mà còn nhiều ngành nghề khác, lĩnh vực khác.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định: Phải đẩy nhanh phục hồi du lịch nội địa mạnh hơn nữa. Như thế, các loại hình doanh nghiệp gắn bó với nhau, chọn những điểm mà hàng không có đường bay, nơi nào có sân bay khởi động ngay kích cầu. Du lịch và hàng không cùng với các bên liên quan phải thống nhất với nhau để có giá tốt nhất, chấp nhận mỗi bên hy sinh một chút, sau đó công bố rộng rãi. Sau khi thành lập liên minh kích cầu, có giá sàn chung phải có nhóm đi theo như các vệ tinh.
Ông Bình cũng nhấn mạnh, việc kích cầu không thể chọn 1 số điểm mà tất cả các nơi nào có điều kiện thì đều phải làm hết, làm ngay…