Tháo gỡ khó khăn để cà phê Việt “cất cánh”
- Hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam - Trung Quốc
- Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam
- Tìm hướng phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam
Cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay cà phê Việt đang xuất khẩu với số lượng lớn nhưng giá trị thấp. Do vậy, để nâng cao giá trị xuất khẩu cho cà phê Việt, điều quan trọng nhất là cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua việc áp dụng công nghệ và chuẩn hóa từ quá trình trồng trọt cho đến chế biến.
Lãng phí lớn tiềm năng của cà phê
Để nâng cao giá trị xuất khẩu cho cà phê Việt, điều quan trọng nhất là cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh minh hoạ Internet |
Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Hiện các sản phẩm cà phê của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil. Đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5 sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù mặt hàng cà phê có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong thời gian qua, song giá trị mang lại chưa cao và chưa có được vị trí tương xứng với tiềm năng trên thị trường thế giới. Tỷ trọng cà phê xuất khẩu dưới dạng thô chiếm tới hơn 90%, chỉ có khoảng hơn 10% sản lượng được chế biến sâu cho thấy năng lực chế biến của các doanh nghiệp ngành cà phê vẫn còn kém và chúng ta đang lãng phí rất lớn đối với tiềm năng của ngành này.
Tăng giá trị xuất khẩu bằng thương hiệu và công nghệ
Bộ Công thương đánh giá, bối cảnh Việt Nam tích cực ký kết thành công và thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ và mở ra thị trường rộng lớn cho ngành cà phê Việt Nam tiếp cận và thâm nhập thị trường thế giới.
Đối với các FTA đã ký kết, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê nhân của Việt Nam vào các nước nhập khẩu đều bằng 0. Phần lớn mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê đã chế biến bằng 0, trừ một số nước còn duy trì mức thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 5 - 10% đến năm 2020
Theo đó, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đàm phán mở cửa thị trường cho mặt hàng cà phê thông qua các FTA đang triển khai như Việt Nam - Cuba, Việt Nam - Israel, Việt Nam - EFTA, RCEP, CPTPP… và gắn kết doanh nghiệp Việt kiều tại Thái Lan, Pháp, Đức, Úc… với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp cà phê Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực thực hiện xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, tạo cơ chế để huy động kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại từ các nguồn lực của xã hội; chú trọng một số thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng tăng trưởng như Trung Quốc, Liên bang Nga, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông...
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có rất nhiều thách thức, khó khăn đòi hỏi phải nhanh chóng được tháo gỡ để giúp sản phẩm cà phê Việt “cất cánh”, đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Bộ Công Thương, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả. Trong đó cần xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích, tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê. Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng.
“Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; và cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.