Tạo niềm tin cho người tiêu dùng để thúc đẩy thanh toán trực tuyến

Chủ Nhật, 23/08/2020, 10:07
Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.


Chia sẻ tại hội thảo “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” diễn ra ngày 20/8, bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn. 

Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, năm 2020, 30% doanh số bán lẻ sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng, 33% người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi mua sắm trực tuyến. 
Tiêu dùng trực tuyến là khuynh hướng được nhiều người dân lựa chọn cho tương lai.

Với tỷ lệ 58% dân số trẻ, nhu cầu mua sắm cao, bà Đặng Thúy Hà cho rằng, mua sắm và thanh toán trực tuyến sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM. Theo bà Đặng Thúy Hà, để thúc đẩy tiêu dùng và thanh toán trực tuyến, cần tạo thêm sự tiện lợi, tiện ích cho khách hàng từ trên sàn thương mại điện tử đến khâu thanh toán.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt các doanh nghiệp bán lẻ vào một “cuộc đua sinh tử”. Nếu chậm chân và không kịp thời chuyển đổi, họ sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của mình trong tương lai. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 cũng đang tác động nặng nề lên ngành bán lẻ, gây tổn thất về mặt doanh thu. Vì thế, tốc độ chuyển đổi số đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai bất kể quy mô lớn nhỏ.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), đến hết quý I/2020, số ví điện tử đã mở, kích hoạt sử dụng đạt gần 13 triệu ví với tổng số dư gần 1.400 tỷ đồng. Số đơn vị chấp nhận thanh toán ví cũng ngày càng tăng, góp phần tích cực phổ cập tài chính tại Việt Nam.

Để thúc đẩy thanh toán trực tuyến, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc kiến nghị: Cơ quan quản lý cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Có chế tài và biện pháp mạnh mẽ, thậm chí rút giấy phép. Bên cạnh đó, các ngân hàng, cổng thanh toán, nhà mạng cần tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online cùng với các sàn sàn thương mại điện tử. Phải làm cho người tiêu dùng tin tưởng thì họ mới thanh toán trực tuyến, nếu không thêm hàng nghìn ví điện tử nữa cũng không giải quyết được vấn đề này.

Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD. Vì thế, theo các chuyên gia, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận vốn, chuỗi giá trị bán hàng, các chính sách thanh toán, bảo mật thông tin người tiêu dùng…

Phan Đức
.
.
.