Tăng cường thực hiện “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”

Thứ Năm, 18/04/2019, 08:28
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày 17-4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt”.


Theo đánh giá của PGS.TS Trần Tiến Khai – Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Đối với các đô thị lớn, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) hết sức cấp thiết và khó có giải pháp căn cơ. Đồng thời, các đô thị lớn là những thị trường quan trọng cho hàng hóa nông sản thực phẩm sản xuất trong nước.

Riêng TP Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm lớn nhất cả nước, nhưng dự báo đến năm 2020 các sản phẩm nông nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các nơi khác và nhập khẩu nước ngoài. Do đó, việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người dân là hết sức quan trọng.

Hiện, hệ thống cung ứng thực phẩm tươi sống từ các DN thông qua chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất đến hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng riêng) chỉ được khoảng 20% tổng lượng thực phẩm tươi sống đảm bảo ATTP tại TP Hồ Chí Minh. Còn lại 80% là kênh chợ truyền thống (chợ đầu mối, chợ bán lẻ) chưa thể kiểm soát được ATTP.

Với hệ thống chợ truyền thống, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với rau, gia cầm, thủy sản và nhiều loại thực phẩm tươi sống khác hiện nay là không khả thi.

Trước thực trạng trên, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng nêu lên một số khó khăn. Đó là hàng Việt trước áp lực cạnh tranh ngày càng cao do sự thâm nhập, cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa nhập khẩu từ các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

TP Hồ Chí Minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm gia súc, gia cầm tại hệ thống phân phối hiện đại.

Tâm lý sính hàng ngoại còn tồn tại ở một bộ phận người tiêu dùng (NTD). Bên cạnh đó, hoạt động mở rộng và thâu tóm hệ thống phân phối hiện đại của DN nước ngoài khiến hàng Việt mất dần chỗ đứng, thị phần bán lẻ của DN trong nước ngày càng thu hẹp. Một số ít DN, nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích trước mắt, lợi dụng cuộc vận động và sự quan tâm, ủng hộ của NTD để làm ăn gian dối, sản xuất hàng hóa kém chất lượng đưa ra tiêu thụ gây mất lòng tin NTD.

Đối với nông sản thực phẩm, công tác quản lý, kiểm soát  đảm bảo ATTP đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn như chưa kiểm soát được dư lượng hóa chất BVTV, dư lượng kháng sinh, kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản... gây ảnh hưởng đến sức khỏe NTD. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức thì vẫn còn nhiều cơ hội để hàng Việt phát triển.

Đó là thành phố đã xây dựng thành công 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, cung cấp 80% lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường và phát luồng hàng đi các tỉnh. Với hệ thống phân phối hiện đại, trên địa bàn TP hiện có 203 siêu thị, 43 Trung tâm thương mại và trong tương lai con số này sẽ tăng, tạo cơ hội cho DN bán lẻ trong nước.

Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai thí điểm thành công đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm”. Từ kinh nghiệm này sẽ là nền tảng để xây dựng, hình thành các phương thức giao dịch thương mại hiện đại như sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trung tâm đấu giá...

Qua đó, định hướng sản xuất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, an toàn. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 31/2017/Q Đ-TTg về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, sẽ là cơ hội triển khai mô hình HTX chợ kiểu mới với tiểu thương chính là thành viên HTX để kiểm soát hơn 70% thị phần bán lẻ thuộc các hệ thống phân phối truyền thống chưa bị chi phối bởi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Với thực tế đó, chương trình “Chắp cánh hàng Việt” sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản, thực phẩm tươi sống như rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản... là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân, giúp ổn định cung – cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hạn chế tình trạng “giải cứu”.

Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa, nâng chất lượng hàng hóa thông qua thực hiện tốt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP..., đầu tư bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mục đích giúp đưa nông sản hướng tới xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Để làm được việc này thì cần có kết nối 3 nhà: Nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà phân phối. Nhà sản xuất nào làm ăn không uy tín, sản xuất hàng kém chất lượng sẽ bị tẩy chay trên toàn hệ thống phân phối”.

Thực tế cho thấy, thời gian qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ dừng lại ở mức độ là vận động, kêu gọi NTD ủng hộ, mua sắm các nhóm hàng công nghệ phẩm mà chưa thực sự đi vào chiều sâu đến khâu sản xuất và mở rộng ra các nhóm hàng khác, đặc biệt là nông sản thực phẩm thiết yếu.

Với chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, sẽ chuyển sang hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với NTD, tiến tới “Hàng Việt Nam chinh phục NTD Việt Nam”.

Thúy Hà
.
.
.