Những điểm lưu ý từ thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam

Thứ Tư, 28/02/2018, 08:23
Năm 2017 là năm đặc biệt thành công trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi đạt mức 213,7 tỷ USD (tăng 21,1% so với năm 2016). Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù bội thu trong xuất khẩu, nhưng DN Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, nếu không khắc phục kịp thời thì tăng trưởng xuất khẩu sẽ khó bền vững...


Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Trong đó có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; 20 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD; 8 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD. 

Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ thị trường Âu và châu Mỹ thông tin, xuất khẩu ở thị trường châu Á chiếm 24%, thị trường châu Âu chiếm 19%,… 

Đặc biệt, tại các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này có mức tăng trưởng khá cao như: Hàn Quốc, tăng 31,1%, Chile tăng 26,3%, Liên bang Nga 35,7%, Nhật Bản tăng 14,2%, Trung Quốc tăng 60,6%...

Trái cây tiêu thụ nhiều tại nội địa.

Mặc dù, xuất khẩu Việt Nam thời gian qua đạt được kết quả ấn tượng nhưng thực tế cho thấy, DN Việt chỉ mới tập trung đẩy mạnh số lượng sản phẩm xuất khẩu, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng, xây dựng thương hiệu... nên không ít sản phẩm bị đối tác cảnh báo về thuốc kháng sinh và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. 

Tại Hội nghị Tham tán thương mại 2018 vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Australia thông tin: Australia là thị trường khó tính, các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm... rất chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam vẫn chưa nắm kỹ các quy định về nhập khẩu, về kiểm dịch hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường này nên đã gặp không ít khó khăn. 

Như trong năm 2017, có đến 39 trường hợp hàng Việt Nam vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm của Australia buộc phải tiêu hủy tại chỗ, mặc dù Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 nhưng DN trong nước vẫn còn khá lúng túng trong việc tìm hiểu và vận dụng. Ngoài chất lượng sản phẩm còn “phập phồng”, điều đáng lo ngại là DN Việt Nam xuất khẩu sang Australia phần lớn xuất thô và sơ chế nên giá trị gia tăng không cao. 

Để tăng giá trị cho sản phẩm, DN Australia đã phải làm thay DN Việt Nam khi chế biến sâu sản phẩm rồi gắn thương hiệu Australia. “Đây là thực tế đáng buồn, buộc DN xuất khẩu phải xem lại”, bà Thúy khuyến cáo. Chính vì còn tồn tại những điểm yếu, nên sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Australia chiếm tỷ lệ rất thấp, kim ngạch hai chiều chỉ ở mức 6,46 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam qua Australia là 3,3 tỷ USD, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thị trường này. 

Để sản phẩm của DN Việt Nam thâm nhập được vào thị trường xuất khẩu, theo bà Thúy: Các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường, những ưu đãi từ các FTA, hướng đến áp dụng phương pháp sản xuất sạch, chất lượng cao, sản xuất theo chuỗi... DN cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu, đăng ký bảo vệ thương hiệu, cung cấp sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ, có chiến lược dài hạn, phù hợp để thâm nhập thị trường. 

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ Việt Nam tại EU và Vương quốc Bỉ cũng cảnh báo nguy cơ tranh chấp thương mại và lừa đảo qua mạng đang gia tăng. Vì vậy, DN trong nước cần phải hết sức cảnh giác. Nếu nhận được email nghi ngờ thì nên liên hệ ngay thương vụ để xác minh nhằm hạn chế rủi ro.

Để giúp DN thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài, ngoài việc DN cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc dự báo xu hướng thị trường xuất khẩu, thông tin kịp thời các chính sách mới, những rào cản thương mại...

T. Hà - T.Giang
.
.
.