Tăng cường kiểm soát việc gian lận xuất xứ đối với nông sản

Thứ Hai, 17/09/2018, 09:01
Hàng Trung Quốc “gắn mác” hàng Việt Nam đã cạnh tranh trực tiếp với nông sản của nông dân sản xuất trong nước bằng giá rẻ hơn, khiến nông sản Việt thất thế ngay trên “sân nhà”, nông dân điêu đứng, thị trường rối loạn, NTD mất niềm tin...

Thời gian gần đây, dư luận trong nước “dậy sóng” bởi tình trạng hàng nông sản Trung Quốc “đội lốt” nông sản Việt Nam “chảy” vào thị trường nội địa. Đáng chú ý là các loại nông sản Trung Quốc này, sau khi “đội lốt”, đã ngang nhiên phân phối khắp các chợ lớn nhỏ tại nhiều địa phương, mang mác hàng Đà Lạt bán cho người tiêu dùng (NTD) với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật của sản phẩm, trong khi chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát.

Gian lận xuất xứ khiến nông sản Việt chịu thiệt hại. Ảnh minh họa: CTV.

Điều đáng lo ngại nữa, đó là hàng Trung Quốc “gắn mác” hàng Việt Nam đã cạnh tranh trực tiếp với nông sản của nông dân sản xuất trong nước bằng giá rẻ hơn, khiến nông sản Việt thất thế ngay trên “sân nhà”, nông dân điêu đứng, thị trường rối loạn, NTD mất niềm tin...

Các loại nông sản Trung Quốc vào thị trường Việt Nam để “đội lốt” hàng Việt chủ yếu là các sản phẩm cà rốt, khoai tây, hành tây, tỏi... “tập kết” ở Đà  Lạt để “thay hình đổi dạng”. Sau đó phân đi khắp các địa phương với các tên mới là hàng Đà Lạt. Tại TP Hồ Chí Minh, thị trường lớn nhất tiêu thụ sản phẩm nông sản Đà Lạt, chúng tôi nhận thấy, trong số các loại nông sản Trung Quốc thì mặt hàng khoai tây giả mạo xuất xứ chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, đây là chợ đầu mối có quy mô lớn nhất của TP Hồ Chí Minh, tiếp nhận nguồn hàng tại nhiều địa phương trên cả nước với đa dạng hàng hóa. Trong đó, ngành hàng rau củ quả phần lớn hàng có xuất xứ tại Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây.

Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết: “Mỗi đêm có khoảng 2.500 – 3.000 tấn hàng về chợ (ngày lễ hơn gấp 2 lần và dịp Tết gấp 3-4 lần) với giá trị giao dịch bình quân hơn 100 tỷ đồng/đêm. Trong đó, ngành hàng thủy hải sản chiếm 70-80% tại thị phần phía Nam, ngành hàng rau củ quả chiếm khoảng 40%, trái cây hơn 40%...”.

Trước việc nông sản Trung Quốc “đội lốt” sản phẩm Đà Lạt, người tiêu dùng chọn mua sản phẩm Đà Lạt chính hiệu tại siêu thị.

Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, chuyên kinh doanh hàng nông sản gồm rau củ quả,trái cây và hoa, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết: “Hàng về chợ bình quân 3.500 - 4.500 tấn/đêm. Các mặt hàng về chợ là nguồn hàng từ tất cả các địa phương trên cả nước.

Ngoài ra, hàng ngoại nhập khẩu vào chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức cũng chiếm khoảng 30% gồm hàng nhập từ các nước châu Âu (EU), Australia, Mỹ, New Zealand... có cả hàng Trung Quốc cũng nằm trong tỷ lệ 30% đó. Hàng hóa khi nhập vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức đều phải có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm phải đảm chất lượng. Với sản phẩm ngoại nhập thì phải đáp ứng được các thủ tục quy định trong hàng nhập khẩu”.

Tại các chợ đầu mối này, lượng hàng nông sản Trung Quốc “đội lốt” Đà Lạt được các thương nhân bán giá rẻ hơn nhiều so với hàng Đà Lạt chính gốc. Như mặt hàng khoai tây, tại chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức,  bán sỉ với giá 12.000 đồng/kg khoai tây Trung Quốc, 25.000 đồng/kg khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, nếu không để ý thì NTD vẫn khó phân biệt được đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Đà Lạt.

Trong khi đó, tại siêu thị, khoai tây Đà Lạt giá 32.000 đồng/kg. Chị N.C, thương nhân ở chợ thực phẩm nông sản Thủ Đức cho rằng: “Việc “tráo” xuất xứ từ hàng Trung Quốc sang hàng Đà Lạt chỉ có mục đích duy nhất là để được bán với giá cao mà thôi, chứ ngoài ra không có mục đích nào khác nữa”.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện, đang có sự dễ dãi đối với thị trường trong nước. Để thực phẩm đạt chuẩn lưu thông trên thị trường thì cần áp dụng quy luật thị trường. TP Hồ Chí Minh là thị trường lớn nhất cả nước và thuận lợi là có 3 chợ đầu mối đang tiếp nhận phân phối đến 80% hàng nông sản, gần 20% là kênh phân phối hiện đại.

Như vậy, nếu kiểm soát được kênh chợ đầu mối và kênh phân phối hiện đại chặt chẽ, thì có thể nói là đã kiểm soát được 90% hàng hóa nông sản từ các địa phương cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Sở Công Thương có đề xuất cùng hệ thống phân phối, 3 chợ đầu mối để cùng ngồi lại để tính toán, xây dựng một quy chuẩn chung cho hàng hóa đầu vào, sản phẩm tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn VietGap. Quy định này nếu được áp dụng sẽ giải quyết được những bế tắc của ngành Nông nghiệp khi ngành này liên tục kêu gọi nông dân sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm VietGap, nhưng không trả lời được câu hỏi là họ sản xuất ra thì bán cho ai?

Như vậy, khi có quy định này thì bắt buộc người sản xuất muốn bán vào thị trường TP Hồ Chí Minh buộc phải đáp ứng các yêu cầu: Phải là sản phẩm VietGap, phải có truy xuất nguồn gốc, phải có quy trình bảo quản sơ chế sau thu hoạch, biết được tỷ lệ hao trong quá trình sơ chế vận chuyển, hàng hóa hao hụt để phải tăng diện tích trồng, tăng sản lượng cho phù hợp.

“Thực hiện việc chuẩn hóa hàng hóa đưa vào thị trường TP Hồ Chí Minh được thì công tác kiểm tra kiểm soát cũng nhẹ đi rất nhiều. Hiện nay chúng ta kiểm tra nhiều, nhưng chưa thật sự đạt hiệu quả”, đại diện Sở Công Thương cho biết.

T. Hà
.
.
.