Siết kiểm soát hàng giả, hàng lậu qua kênh thương mại điện tử
- Hàng giả, hàng nhái “ bủa vây” người tiêu dùng
- Kiểm tra tình hình vi phạm hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội
- Chống hàng giả bắt đầu từ đâu?
Trong năm 2018, lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện có 4.971 vụ vi phạm, trong số đó, vi phạm nhiều nhất là buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu (1.902 vụ); tiếp đó là vi phạm về hàng giả (1.028 vụ)... Cục QLTT thành phố đã xử phạt gần 4.700 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 99 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT thành phố, xu thế hiện nay có rất nhiều DN đã dần tiếp cận với thương mại điện tử (TMĐT) thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu theo phương thức thông thường thì hiện nay rất nhiều đối tượng đã lợi dụng TMĐT để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... công khai, tràn lan trên các website TMĐT và trên các mạng xã hội nhưng các cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.
Những vi phạm liên quan đến SHTT hữu hình vốn đã phức tạp và khó khăn trong công tác xử lý thì những vi phạm trong môi trường TMĐT càng tinh vi và phức tạp hơn nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Bách, trong thời gian qua, QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra tại một số chợ truyền thống, trung tâm thương mại (TTTM), các tuyến đường kinh doanh... đã thu giữ rất nhiều sản phẩm đồng hồ, mắt kính, bóp, ví,… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.
Ngoài kiểm tra xử lý, QLTT phối hợp với các Sở ngành, các Ban quản lý chợ, TTTM, siêu thị… tăng cường tuyên truyền pháp luật để đưa các hoạt động dần đi vào nền nếp, ổn định. Thời gian tới cần tăng cường hơn nữa, đặc biệt trong giáo dục tuyên tuyền pháp luật để người dân am hiểu và chấp hành tốt.
Trước thông tin lo ngại khi gần Tết, các loại thực phẩm, bánh mứt có xuất xứ Trung Quốc tràn lan ở thị trường nội điạ, việc xử lý sẽ gặp khó, lãnh đạo Cục QLTT thành phố khẳng định: “Không chỉ thực phẩm, bánh mứt Trung Quốc mà tất cả các mặt hàng khác nếu nhập lậu, chắc chắn sẽ bị tịch thu tiêu hủy chứ không để lưu thông trên thị trường”.
Theo ông Trần Hữu Linh, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, đầu mối sản xuất phân phối hàng hóa đi các tỉnh, gần biên giới. Dự báo thời gian tới, đây tiếp tục là địa bàn sôi động các hoạt động gian lận thương mại hàng giả hàng lậu. Do vậy, năm 2019, lực lượng QLTT phải làm tốt công tác quản lý phối hợp với các lực lượng chức năng để ngăn chặn các hoạt động vận chuyển buôn bán hàng giả hàng lậu…