Hàng giả, hàng nhái “ bủa vây” người tiêu dùng

Thứ Sáu, 25/01/2019, 23:35
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian các mặt hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được các đối tượng sản xuất, trà trộn tung vào thị trường. Đi từ chợ đầu mối, hàng giả, hàng nhái len lỏi tới các tuyến phố trung tâm, chợ dân sinh lớn nhỏ ở Hà Nội nói riêng và các vùng miền cả nước.


Ký cam kết vẫn tái phạm     

Cách đây ít ngày, thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra tình hình vi phạm hàng giả, hàng nhái tại 4 cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các cửa hàng này nằm ở phố Hàng Đào, Hàng Dầu, Hàng Gai, Hàng Buồm - những địa bàn trọng điểm trong công tác của lực lượng quản lý thị trường Hà Nội. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là giày dép, quần áo, balo, thực phẩm.

Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng quản lý thị trường phát hiện các dấu hiệu vi phạm như: thiếu hóa đơn, chứng từ, nhãn hiệu, không ghi nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa...

Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội T01 Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã và sẽ tăng cường kiểm tra tình hình trên địa bàn, nhằm duy trì thị trường phát triển lành mạnh. Đối với các mặt hàng quần áo, dù lực lượng thường xuyên kiểm tra song vẫn luôn có các dấu hiệu vi phạm. Một số mặt hàng như bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá... tại các cửa hàng, vẫn còn tồn tại một số sản phẩm chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho biết, kiểm tra thực tế tại Hà Nội cho thấy, trên thị trường quần áo, giày dép, túi sách, balo, kính mắt, đồng hồ… nhập lậu rất nhiều. “Lực lượng QLTT tập trung vào kiểm tra, xử phạt, bắt ký cam kết nhưng việc tái phạm vẫn diễn ra. Một phần là do việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đem lại lợi nhuận cao, nhu cầu thị trường nội địa lớn. Đặc biệt, do chế tài xử lý còn nhẹ”. Ông Linh nói.

Theo ông Linh, trong thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp, các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Đáng chú ý, sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa có chiều hướng suy giảm, tập trung vào nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Đơn cử như một số mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc, phụ kiện thời trang...

“Đặc biệt, là hàng giả được sản xuất ngay trong nội địa. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật hoặc tự sản xuất hàng, sau đó niêm phong, dán nhãn mác của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ”, ông Linh nhấn mạnh.

Thực tế, không khó để mua một đôi giày thể thao với giá 35-40 nghìn đồng tại vỉa hè hay các chợ dân sinh. Người tiêu dùng cũng có thể mua được kính, túi xách gắn mác hàng hiệu… và nhiều mặt hàng khác được bày bán rất bắt mắt với giá bèo. Nhìn đâu cũng thấy hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên “không phải lực lượng QLTT và cơ quan chức năng không biết nơi đâu sản xuất hàng giả, hàng nhái. Nhưng, từ biết đến xử lý có triệt để được hay không vẫn còn có khó khăn. Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm SHTT còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu, nhất là hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng” - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nói.

Các mặt hàng vi phạm nhiều nhất vẫn là đồng hồ, mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo.

Mỗi ngày phát hiện vài chục vụ vi phạm về an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề nóng trong dịp Tết. Theo đó, việc vận chuyển buôn bán thực phẩm nhập lậu, gia súc, gia cầm, hoa quả nhập lậu, chất phụ gia, bảo quản thực phẩm cho tới đồ dùng cho những ngày Tết như đồ mứt, bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại.

“Cách đây 2 tuần tôi ra phố Hàng Buồm thấy mứt bày bán ở ngoài vỉa hè, và trong chợ Hàng Buồm không có nhãn mác, không đóng gói. Khi hỏi cái này được sản xuất ở đâu thì người bán hàng dựng cái tờ bìa ghi cơ sở sản xuất ở tận 1 tỉnh trong miền Nam” – ông Linh nói.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, năm 2018 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 16 nghìn vụ việc, xử lý 8.800 vụ vi phạm hành chính, phạt có hơn 21 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, ngày nào cũng có vi phạm. Trung bình 8.800 vụ trên một năm thì tức là mỗi ngày mấy chục vụ vi phạm” - ông Linh nói.

Đánh giá về tình trạng hàng giả, hàng lậu, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp.

“Các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Năm nay, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ”, ông Linh nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, năm 2019, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng khác nhằm ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa. Nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm công vụ, suy thoái đạo đức… Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Phan Đức
.
.
.