Sẽ thành lập sàn giao dịch thịt lợn tại thị trường TP Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 09/03/2019, 08:50
Ngày 7-3, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và Tổng lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TP Hồ Chí Minh; Cục Thực thi quy định quốc tế thuộc Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ xây dựng Sàn giao dịch ngành hàng thịt lợn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Quan hệ hợp tác này nhằm hỗ trợ Sở Công thương về kỹ thuật, cung cấp thông tin, kinh nghiệm pháp lý, chuyên gia… trong việc nghiên cứu, khảo sát thực tế, xây dựng mô hình và thí điểm triển khai, đưa vào hoạt động Sàn giao dịch thịt lợn. Bản ghi nhớ sẽ có hiệu lực thi hành ngay ngày ký và các hoạt động hợp tác dự kiến bắt đầu từ ngày 31-3-2019 và kết thúc ngày 31-3-2021.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh tiêu thụ 10.000 con lợn với giá trị 2 triệu USD (giá lợn hơi trung bình 45.000 đồng/kg), như vậy mỗi năm tổng giá trị tiêu thụ lên đến 750 triệu USD, phân phối chủ yếu ở truyền thống 87% và kênh hiện đại 13%. Nguồn lợn cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh tập trung ở 10 tỉnh, thành lân cận, trong đó tỉnh Đồng Nai cung cấp lớn nhất gần 50% lượng hàng.

Theo dữ liệu của đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn đã được TP Hồ Chí Minh triển khai trong thời gian qua cho thấy có 1.500 trang trại, hộ chăn nuôi tham gia đề án. Trung bình, mỗi  ngày có khoảng 90 trang trại, hộ chăn nuôi xuất bán lợn cho TP Hồ Chí Minh. Mặc dù nguồn cung từ 10 địa phương, nhưng đưa về giết mổ tập trung ở 24 cơ sở.

Đặc biệt, để cung cấp thịt lợn cho thị trường TP Hồ Chí Minh, có sự tham gia của 40 thương lái thực hiện xuyên suốt từ việc đưa lợn các trang trại, hộ chăn nuôi, đến các cơ sở để giết mổ rồi sau đó đưa về TP Hồ Chí Minh phân phối tại chợ đầu mối.

Việc thành lập sàn giao dịch thịt lợn giúp cho các giao dịch được công khai, minh bạch.

Nhận định về thị trường thịt lợn của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Tập quán tiêu dùng hiện nay của chúng ta là thịt tươi, thịt nóng, chưa có tập quán tiêu dùng thịt mát, thịt đông lạnh; Việc giết mổ chủ yếu thủ công chưa giết mổ công nghiệp nên tính đồng bộ về phẩm cấp, quy cách, chất lượng chưa cao; Còn phương thức kinh doanh chủ yếu vẫn thông qua thương lái, mặc dù thương lái chỉ là khâu trung gian nhưng có vai trò hết sức quan trọng trong việc chi phối thị trường, chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, hai chủ  thể quan trọng nhất đó là người chăn nuôi và người tiêu dùng nhưng lại bị yếu thế, không có vai trò quyết định trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ...

Trước thực tế, Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án và hình thành, thí điểm đưa vào hoạt động Sàn Giao dịch lợn hơi nhằm hướng đến các mục tiêu: Nâng cao chất lượng hoạt động chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh mặt hàng lợn và thịt lợn thông qua việc thay đổi mô hình, hoạt động kinh doanh cũ, xây dựng giải pháp, phương thức kinh doanh mới tiên tiến văn minh, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Với sàn giao dịch lợn sẽ cho phép kết nối trực tiếp với người sản xuất, thị trường, NTD, từ đó có một hệ thống thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch về các giao dịch đối với tất cả các chủ thể tham gia. Khi đó, thương lái không còn đóng vai trò quyết định trong việc chi phối thị trường, quyết định giá cả, quyết định chất lượng sản phẩm, mà họ tham gia với vai trò làm dịch vụ logictis.

“Sàn giao dịch thịt lợn được dự báo làm tiền đề mở rộng ra các sản phẩm nông sản khác, hướng tới hình thành phương thức kinh doanh mới văn minh, hiện đại cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết.

Thúy Hà
.
.
.