Quyết liệt tái cơ cấu, giảm lãi suất, huy động vốn đạt 768.000 tỷ đồng

Chủ Nhật, 08/11/2015, 09:01
Mặc dù đang phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng, nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã từng bước thực hiện tốt lộ trình tái cơ cấu toàn diện ngân hàng. 


Qua đó, hàng chục triệu khách hàng vẫn giữ trọn niềm tin, đồng hành cùng Agribank trong nhiều năm qua là minh chứng rõ nét.

Nhìn lại 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu (2012-2015) với vô vàn khó khăn, bằng những nỗ lực của toàn hệ thống, Agribank đã đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho đối tượng khách hàng ưu tiên do áp trần lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, đồng thời cũng đã thu hồi được trên 10.000 tỷ đồng đối với nợ đã xử lý rủi ro; giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo tài chính toàn ngành, đảm bảo đời sống cho hàng vạn cán bộ, nhân viên và người lao động.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Agribank cũng luôn xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong số các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu, Agribank đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu.

Chỉ tính riêng từ tháng 11/2013 đến nay, đã có gần 300 văn bản về cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ được Agribank ban hành, trong đó có trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng.

Cán bộ Ngân hàng Agribank tự răn mình không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, củng cố hệ thống kiểm tra – kiểm toán nội bộ, Agribank cũng nỗ lực chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường cán bộ hỗ trợ các chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao. Hàng trăm cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm về công tác tín dụng của toàn hệ thống đã được trụ sở chính trưng tập giao nhiệm vụ.

Các đoàn công tác do các thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Điều hành trực tiếp phụ trách được phân công làm việc tại từng chi nhánh, thực hiện phân tích từng khoản nợ có vấn đề, làm việc với từng khách hàng để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, quyết định phương án xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích, từ đó động viên khách hàng hợp tác trả nợ vay. Agribank cũng luôn là ngân hàng tiên phong trong việc chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng…

Với những cố gắng đó, sau gần 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, đến nay, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đã đạt 768.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2014; dư nợ tăng 9,2%; cơ cấu nguồn vốn và tín dụng được chuyển đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 73,1%; Tỷ lệ nợ xấu 2,41%; thu dịch vụ tăng trưởng bình quân 12%/năm; lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.222 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 đạt trên 3.500 tỷ đồng; Các tỷ lệ an toàn hoạt động được đảm bảo…

Chuẩn bị tổng kết giai đoạn I thực hiện Đề án tái cơ cấu, Agribank đang hoàn thiện chiến lược kinh doanh 2016-2020, tầm nhìn đến 2030, đặt mục tiêu xây dựng ngân hàng phát triển ổn định, vững chắc theo hướng ngân hàng thương mại hiện đại, sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhiệm vụ đặt ra đối với Agribank lúc này là giữ vững đoàn kết, chung sức chung lòng để vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại chủ lực trên thị trường nông nghiệp, nông thôn. Mỗi vị trí công tác từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên Agribank tự răn mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ quy định của ngành, biết sửa sai và chủ động góp sức xây dựng ngân hàng ngày càng vững mạnh.

Trần Xuân
.
.
.