Nỗ lực đưa quả vải sang Nhật Bản

Thứ Sáu, 15/05/2020, 08:00
Với riêng tỉnh Bắc Giang, sản lượng ước đạt trên 160.000ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, và năm nay vải Trung Quốc cũng được mùa, nguồn tiêu thụ cho vải thiều của nước ta đang gặp khó khăn.


Ngày 14/5, Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã họp trực tuyến với các đối tác liên quan của Nhật Bản để bàn hoàn thiện tất cả các thủ tục cho xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, việc kiểm tra, kiểm soát quả vải, phía Nhật Bản có thể ủy quyền cho phía Việt Nam cùng với sự giám sát của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. 

Ông Doanh cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt và thiện chí của phía Nhật Bản, Việt Nam hi vọng sẽ có lô vải đầu tiên xuất được xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn. Bộ NN&PTNT cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ sớm tổ chức lễ xuất khẩu quả vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản.
Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 23 vùng trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện Bộ NN&PTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, Đại sứ quán hai nước đã và đang có sự phối hợp rất chặt chẽ để chuẩn bị mọi điều kiện để đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản.

Để chuẩn bị, Bộ NN&PTNT đã làm việc với các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Các tỉnh rất chủ động quy hoạch vùng sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng vào Nhật Bản với sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã cử cán bộ về tận địa phương hướng dẫn, theo dõi từng quy trình sản xuất và đánh giá lại toàn bộ công tác chuẩn bị.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện tất cả các vấn đề kỹ thuật để đưa quả vải sang Nhật Bản đã hoàn tất, từ vấn đề cấp mã số vùng trồng cho đến cấp mã số cho các cơ sở đóng gói, đặc biệt là thiết lập hệ thống xử lý theo yêu cầu của Nhật Bản. 

Năm nay, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; trong đó, vải sớm là 6.000ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100ha, sản lượng 115.000 tấn. 

Để chuẩn bị cho quả vải thiều tươi đầu tiên cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn lựa và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103ha, sản lượng ước đạt 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn.

Tỉnh Hải Dương có 9.700ha vải, dự kiến tổng sản lượng quả đạt 45.000 tấn. Tỉnh đã xây dựng 23 vùng trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích 220ha. Để chuẩn bị cho vụ vải 2020, tỉnh chủ động giám sát chặt chẽ vùng trồng và tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ vải. Vùng trồng này đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Mặc dù dự báo năm nay vải được mùa nhưng theo nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh và Quảng Châu (Trung Quốc) vừa báo cáo: Hiện nay diện tích trồng vải tại Trung Quốc đã gia tăng. Mùa vải năm 2020 ước tính diện tích trồng quả vải của Trung Quốc khoảng 533.000ha, dự kiến tổng sản lượng quả vải tại Trung Quốc năm 2020 đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019. 

Do thời tiết, vụ quả vải năm nay tại Trung Quốc bắt đầu thu hoạch sớm hơn khoảng 15 ngày so với mọi năm và dự kiến sẽ kéo dài thêm khoảng 2 tháng, kết thúc vào khoảng đầu tháng 7. Hiện trên thị trường và các trang bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc đều đã bán loại trái cây này. 

Như vậy, mùa vải năm 2020, quả vải Việt Nam gặp khó khăn không nhỏ, bởi khi đã nâng được sản lượng trong nước, Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu quả vải từ Việt Nam, trong khi đây là đối tác chính. Chính vì vậy, nếu nỗ lực xuất khẩu vải sang Nhật Bản trong năm nay thành công, sẽ đỡ được nỗi lo “được mùa - mất giá” cho người nông dân. 

Thêm một tín hiệu đáng mừng là đến thời điểm này, UBND huyện Lục Ngạn đã liên hệ được với 190 thương nhân Trung Quốc, họ đã xác nhận sẽ sang Việt Nam mua vải. Những người này sẽ đảm bảo cách ly đủ 14 ngày để phòng tránh dịch COVID-19.

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Kinh nghiệm của các năm trước cho thấy, nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại thì sẽ không lo về thị trường. Trong đầu tháng 6, Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và hai điểm cầu Trung Quốc, tổ chức lễ xuất quân đưa vải đi các tỉnh, thành phố; chúng tôi cũng lập một trang trên mạng xã hội để tiêu thụ vải thiều".

Trúc Linh
.
.
.