Nhiều nước cấm thuốc lá điện tử
- Bộ Y tế đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, shisha
- Thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm bán thuốc lá điện tử
- Vape, thuốc lá điện tử gây nguy hại cho sức khỏe
Theo hãng tin AP, San Francisco là thành phố đầu tiên của Mỹ đã bỏ phiếu kín thông qua dự luật cấm bán thuốc lá điện tử vào ngày 25-6. Dự luật có hiệu lực sau 30 ngày kể từ thời điểm được bà London Nicole Breed, đương kim Thị trưởng San Francisco ký ban hành.
Theo đó không ai có quyền bán, hoặc phân phối thuốc lá điện tử trừ trường hợp sản phẩm được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét, phê duyệt chấp thuận cho lưu hành, dựa theo quy định do FDA ban hành, buộc các nhà sản xuất thuốc lá điện tử phải nộp đơn lên FDA xin phê duyệt, trước khi bắt đầu bán sản phẩm của mình.
Rất nhiều loại thuốc lá điện tử được rao bán trên mạng xã hội và Internet. |
Vào tháng 8-2019, Bộ Y tế Ấn Độ cũng đề xuất lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu thuốc lá điện tử. Đề xuất trên được Bộ Y tế Ấn Độ đưa ra với mục đích vì lợi ích cộng đồng, đồng thời cho rằng cần phải ngăn chặn thuốc lá điện tử để nó không trở thành “bệnh dịch” trong giới trẻ.
Theo Reuters, mỗi năm Ấn Độ có hơn 900.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Hiện ở Ấn Độ, mức phạt đề xuất với các trường hợp vi phạm có thể lên đến 3 năm tù giam, số tiền phạt lên tới 500.000 rupee (7.000 USD). Những người vi phạm lần đầu sẽ phải đối mặt với án phạt lên tới 1 năm tù và 100.000 rupee (1400 USD).
Còn tại Việt Nam, ngày 15-11, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo chia sẻ về quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Thông tin từ hội thảo cho biết, hiện có hơn 40 quốc gia cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, hiện có 3 loại thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử, shisha và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đang xem xét đề xuất với Chính phủ cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử và shisha. Còn đối với thuốc lá nung nóng, theo lãnh đạo Vụ Pháp chế, cơ quan này đề xuất quản lý như thuốc lá thông thường với những cảnh báo về hình ảnh.
Theo WHO, tính đến ngày 22-10-2019, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ đã nhận được báo cáo từ 49 bang và 1 lãnh thổ cho thấy có 1.064 ca tổn thương phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới. Các ca tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử tăng lên 39 ca và làm ảnh hưởng sức khỏe của ít nhất 2.051 người. Số liệu thống kê ở một số nước cho thấy đến nay đã có hơn 2.600 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.
Trong thuốc lá điện tử có nicotin Theo Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), việc sử dụng thuốc lá điện tử với nhận thức sai lầm rằng thuốc lá điện tử không ảnh hưởng tới người xung quanh sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện môi trường không khói thuốc, ảnh hưởng tới các nỗ lực hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bởi thuốc lá điện tử vẫn có hại cho những người xung quanh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bản chất của việc người hút phụ thuộc thuốc lá và khó cai thuốc lá là do người hút nghiện nicotine trong thuốc lá. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất nói rằng có thể có những sản phẩm đốt cháy tinh dầu không chứa nicotine mà vẫn giúp người hút chuyển sang sử dụng sản phẩm này là không thuyết phục. Bởi, các sản phẩm hít tinh dầu qua hơi nước mà không chứa nicotine thì không thể giúp người hút đạt được cảm giác sảng khoái mà cơ thể đã quen đòi hỏi. Và đương nhiên họ sẽ không bao giờ dùng những sản phẩm không chứa nicotine để thay thế cho việc nghiện nicotine trong thuốc lá truyền thống. |