Nhiều điểm mới trong định hướng thu hút FDI đến 2030

Thứ Sáu, 21/12/2018, 16:32

Bộ KH&ĐT đang dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030, trong đó, nhiều định hướng và giải pháp mới được đưa ra.


Ngày 21-12, Bộ KH&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị tham vấn về định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị và có gần 500 đại biểu các bộ ngành, địa phương, hiệp hội và nhà đầu tư FDI tham gia.

Gần 340 tỷ USD vốn FDI đăng ký

Theo Bộ KH&ĐT, kết quả thu hút và sử dụng FDI 30 năm qua là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI còn một số hạn chế, bất cập như liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn. FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) và vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, có nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng kết quả thu hút FDI chưa tương xứng. Một số dự án  chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao...

Toàn cảnh hội nghị

Theo dự thảo Đề án, định hướng thu hút FDI giai đoạn tới sẽ tập trung ưu tiên thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, R&D, internet vạn vật (IoT)… Tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày... nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

“Thu hút FDI tập trung các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao. Thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh….”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.


Trong từng thời kỳ, ưu tiên thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI để chủ động xúc tiến đầu tư bảo đảm nguyên tắc đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Định kỳ đánh giá hiệu quả thực hiện theo các tiêu chí để có điều chỉnh thích hợp.

Với các địa phương, vùng lãnh thổ, thu hút FDI phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng và từng địa phương, đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường chung của vùng và cả nước, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên không tái tạo.

Thu hút FDI phải từ nhiều thị trường và đối tác. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển, các nước G7. Chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư phù hợp với định hướng. Không thu hút các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, trải qua 30 năm, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Tính đến tháng 11-2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 57% tổng vốn đầu tư đăng ký. FDI có mặt tại tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết.

Nhiều giải pháp để thu hút FDI thế hệ mới

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định, Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng ĐTNN trong giai đoạn tới.

Tỉnh Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực  FDI là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài. Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Lưu Hiệp
.
.
.