Để người trồng mía đường sống được, ngành Mía đường không phá sản

Thứ Tư, 18/03/2015, 10:21
Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (Hiệp hội) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “giãi bày” về một số vấn đề liên quan đến tranh luận gay gắt xung quanh việc Bộ Công Thương cho phép nhập 50.000 tấn đường từ Lào.
>> “Vị đắng” mía đường
Hiệp hội đánh giá, nhìn chung về trình độ công nghệ của các nhà máy đường Việt Nam hiện nay không còn chênh lệch đáng kể so với các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như trong khu vực, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đường RE đạt yêu cầu chất lượng cao đối với khách hàng khó tính như Cocacola…

Nhưng theo Hiệp hội, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá thành đường Việt Nam cao hơn các nước, chủ yếu là ở khâu nguyên liệu. Ở Thái Lan, giá mía đưa vào chế biến chỉ 30 - 35 USD/tấn. Tiền mía trong giá thành chế biến đường chỉ ở mức 300 - 350 USD/tấn hay 6.000 - 7.000đ/kg đường, trong khi ở Việt Nam, tiền mía chiếm 8.000 - 10.000đ/kg đường, chênh lệch 2.000 – 4.000đ/kg đường, chênh lệch này thuộc yếu tố nông nghiệp mà nông dân và nhà máy đường không thể một sớm một chiều tự khắc phục. Về vấn đề “giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu”, văn bản của Hiệp hội lấy ví dụ về Thái Lan (nước có số lượng đường rất lớn đã nhập lậu vào Việt Nam) để so sánh.

Theo đó, giá đường bán lẻ tại Thái lan dao động khoảng 17.000 - 21.000 VND/kg tương đương với giá đường bán lẻ ở Việt Nam. Giá đường trắng bán buôn tại các nhà máy đường Việt Nam hiện tại tùy loại trên dưới 12.000 đồng/kg chưa có VAT. Đường thô Thái Lan nhập khẩu về đến cảng Sài Gòn khoảng 9.000 đồng/kg, đường thô trong nước bán tại nhà máy sản xuất giá 10.500 đồng/kg…

Nhìn chung giá đường bán lẻ ở 2 nước xấp xỉ nhau, giá đường thô nhập từ Thái Lan bán buôn tại TP HCM rẻ hơn đường nội 1.500 - 2.000 đồng/kg. Theo Hiệp hội, chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ trên thị trường rất lớn (5.000 - 8.000 đồng/kg) và “chênh lệch này các nhà máy đường không được hưởng và thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành Công Thương”.

Với tiêu chí “đại diện cho các doanh nghiệp mía đường và nông dân trồng mía thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chung chính đáng cho hội viên, đấu tranh để các chính sách của Bộ Công Thương phải tuân thủ luật pháp, hài hòa lợi ích giữa sản xuất và tiêu dùng” và “không ngại va chạm hoặc sợ hãi”, Văn bản số 32/2015/CV-HHMĐ của Hiệp hội nhấn mạnh: Hiệp hội Mía đường Việt Nam không hề phản đối việc nhập đường, mà chỉ yêu cầu “nhập như thế nào không trái với các quy định hiện hành để lợi dụng của nhóm lợi ích”.

Chí Linh
.
.
.