Ngành mía đường đối diện với nhiều khó khăn, thách thức

Thứ Sáu, 26/07/2013, 00:21
Nguồn cung đang vượt cầu khoảng 100.000 tấn đường trước khi vào vụ mía tới đây là một áp lực rất lớn đối với các nhà máy đường trong cả nước.

Ngày 25/7, tại Hậu Giang, đại diện các nhà máy đường trong cả nước đã tham dự hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường 2012-2013.

So với một số mặt hàng nông sản khác, thì ngành sản xuất mía đường có độ ổn định nhiều hơn trong 3 năm qua. Trong đó, trên 93% diện tích vùng sản xuất mía nguyên liệu cả nước được các nhà máy ký hợp đầu đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, một số đơn vị đã có chính sách hỗ trợ để phát triển vùng nguyên liệu. Điển hình là Công ty CP Mía đường Cần Thơ đã đỡ đầu, khuyến khích xây dựng CLB sản xuất mía giỏi, đạt năng suất trên 200 tấn/ha (cao gấp 3 lần năng suất bình quân cả nước) với 100 thành viên tham gia.

Theo Bộ NN&PTNT, niên vụ 2012-2013, 40 nhà máy đường với tổng công suất là 134.200 tấn/ngày, đã ép 16,6 triệu tấn mía, sản xuất được 1,53 triệu tấn đường. Theo đó, lượng mía ép công nghiệp tăng 2,1 triệu tấn, sản lượng đường tăng 224.000 tấn.

Tuy nhiên, hiện nay ngành đường đang đối diện với nhiều khó khăn, trong đó tỷ lệ mía thu hoạch xong không được được đưa vào chế biến ngay vẫn còn rất lớn. Tình trạng đối phó với lũ bằng giải pháp thu hoạch mía sớm gây tổn thất lớn cho nông dân Hậu Giang được cảnh báo nhiều lần nhưng chưa được khắc phục.

Vấn đề cơ giới hóa thu hoạch mía chậm được nghiên cứu áp dụng (nhất là khu vực ĐBSCL) sẽ còn tiếp tục gây khó cho nông dân trồng mía và sức sản xuất, khả năng cạnh tranh của ngành đường Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Nhưng điều đáng lo ngại là nguồn cung đang vượt cầu khoảng 100.000 tấn đường trước khi vào vụ mía tới đây là một áp lực rất lớn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chính phủ cần có cơ chế về xuất khẩu đường linh động.

Các ngành chức năng phải có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại. Vấn đề lợi ích nhóm trong việc nhập khẩu đường; tạm nhập tái xuất… cần làm rõ và ngăn chặn kịp thời để tránh các thành phần kinh tế lợi dụng, trục lợi

V.Đức
.
.
.