Loay hoay trước tình trạng container tồn đọng

Thứ Hai, 09/07/2018, 09:09
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 31-5-2018, trong số gần 30.000 container đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam thì tại Hải Phòng còn trên 6.000 chiếc.

Trong đó, khá nhiều loại hàng hóa không thể xuất đi nước thứ 3, chủ yếu là rác thải công nghiệp được các doanh nghiệp làm thủ tục nhập về rồi bỏ hàng và một phần hàng hóa chưa thể thông quan do thiếu thủ tục…

Trước thực trạng trên, lãnh đạo một số cảng biển tại Hải Phòng đã đề nghị các cơ quan chức năng và thành phố cần có chế tài xử lý nghiêm các chủ hàng nhập hàng hóa về rồi bỏ lại không nhận, trong khi đó các hãng tàu lại không chịu trách nhiệm. 

Vì thế, rất cần thiết phải siết lại công tác quản lý để bảo đảm sự nghiêm minh trong quá trình nhập khẩu hàng hóa, đồng thời có chế tài đối với các chủ hàng nhập khẩu tại Việt Nam. 

Có yêu cầu ràng buộc chặt chẽ, tránh tình trạng container nhập về cảng nhưng không có chủ hàng đến nhận. Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng Cao Trung Ngoan cho biết, hiện nay Cảng Hải Phòng vẫn còn những container lưu cữu từ năm 2011-2012. 

Hàng trăm container này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp cảng. Chi phí nhân công xếp dỡ; chi phí lưu kho bãi từ năm này qua năm khác đã khiến diện tích bãi chứa chật hẹp. Trong khi chủ tàu và chủ hàng “mất hút”, làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng.

Một khu chứa container tồn đọng tại cảng Hải Phòng.

Các doanh nghiệp cảng lớn trên địa bàn thành phố như: Lê Chân, Đình Vũ, Đoạn Xá, Nam Hải - Đình Vũ, Hải An… cũng bị trong tình trạng tương tự. Cảng ít thì vài chục chiếc, có cảng lên đến vài trăm container tồn đọng. Mặt bằng bị chiếm dụng, chi phí xếp dỡ lưu kho bãi bị thiệt hại. 

Đặc biệt có thời gian hàng loạt loại hàng đóng trong container đông lạnh nhập về cảng nhưng lưu cữu lâu, nếu cắm điện chạy máy lạnh thì thiệt hại về tiền điện, không cắm điện thì hàng đông lạnh bị phân hủy. Các doanh nghiệp cảng thiệt hại nặng nề, chi phí tiền điện lên đến hàng tỷ đồng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp cảng Hải Phòng đã phối hợp với Hải quan thành phố và các lực lượng về kiểm soát môi trường vào cuộc quyết liệt cùng tham gia xử lý, nên hiện số container đông lạnh không còn nhiều. Các cảng cũng đã “cảnh giác” cao đối với mặt hàng này. 

Cũng theo ông Cao Trung Ngoan cho biết, theo quy định, sau 90 ngày nếu container không rút ra khỏi cảng thì được tính là hàng tồn đọng. Vì thế, cảng buộc phải “mềm dẻo” với các chủ hàng, chủ tàu để lượng hàng tồn đọng ngày càng giảm bớt. 

Cảng Hải Phòng vừa tiến hành thương thảo và di chuyển 157 container cao su đọng từ năm 2012. Hiện chỉ còn khoảng dưới 10% tổng số container tồn đọng.

Hiện nay, hơn 40 doanh nghiệp cảng, kho bãi trên địa bàn Hải Phòng đã sử dụng hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (VASSCM), với khoảng 160.000 container được kiểm soát. 

Hệ thống này được đưa vào sử dụng từ tháng 12-2017 đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát số lượng container. Tuy nhiên, để kiểm soát cũng như giảm thiểu tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển Hải Phòng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan liên quan như: Hải quan, kiểm soát Biên phòng, Cảnh sát môi trường… 

Trước mắt, cần đẩy mạnh việc xử lý các container “nhập chui” và hướng dẫn việc xử lý các mặt hàng nhựa, giấy phế liệu và các mặt hàng khác đã lưu bãi hơn 90 ngày tại các cảng, tránh thiệt hại và ảnh hưởng đến quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cảng biển Hải Phòng.

Văn Thịnh
.
.
.