Loanh quanh tìm phương án xử lý trên 5.000 container tồn đọng

Thứ Năm, 12/03/2015, 08:54
Hàng ngàn container tồn đọng vô phương xử lý tại cảng Hải Phòng là câu chuyện cũ được bàn đi tính lại nhiều lần, nhưng gần 3 năm qua vẫn chưa thoát ra tình trạng bế tắc. Cảng thiếu mặt bằng làm hàng, hải quan khó khăn trong quản lý, thành phố lại sợ nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Bởi phần lớn trong số đó là phế liệu, thậm chí còn chưa biết thực tế là hàng gì vì chưa có điều kiện kiểm tra thực tế.

Đẩy đi không dễ, để không xong!

Khi hỏi về việc xử lý container tồn đọng, bà Vũ Thuý Hồng, phụ trách thông tin truyền thông cảng Hải Phòng nói ngay: 2 năm trước thế nào thì nay thế ấy, có chăng là vừa rồi Cục Hàng hải yêu cầu thống kê hàng hoá tồn đọng tại các cảng biển, hàng không trên phạm vi cả nước nhằm đề xuất với các bộ, ngành kiến giải hướng xử lý, Mọi việc lại dấy lên từ đấy.

Theo số liệu kiểm đếm mà Cục Hàng hải nắm được, đến tháng 8/2014, cả nước có hơn 5.400 container tồn đọng thì riêng cảng khu vực Hải Phòng đã chiếm tới 5.060 container. Nhưng nó là hàng gì thì chỉ Hải quan mới nắm được cụ thể.

Về phía cảng, nhiều đơn vị rất khó khăn trong việc bố trí mặt bằng làm hàng nhưng để di chuyển hàng ngàn "công" hàng tồn đọng đi chỗ khác lại không hề dễ dàng vì nó liên quan đến thủ tục hiện trường, thậm chí không ít trong số đó là tang vật các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại.

Một lãnh đạo của Cục Hải quan Hải Phòng (HQHP) cho biết, nếu căn cứ vào các chứng từ vận tải, phân loại của các chi cục hải quan cửa khẩu hàng tồn đọng gồm máy móc, thiết bị tàu biển do các "ông lớn" Vinalines, Vinashin nhập trước đây được cho là có giá trị nhưng chỉ có 183 container. Số còn lại là hàng cao su, lốp ôtô đã qua sử dụng, hàng phế liệu từ nhựa, quần áo cũ, giấy, kim loại, hàng điện, điện tử đã qua sử dụng...

Ông Nguyễn Sỹ Tráng, Cục phó Cục HQHP đã nhiều lần giải thích trước các ban, ngành chức năng về nguyên nhân xảy ra tồn đọng đến nửa vạn container trong cảng. Rằng, hầu hết trong số đó là hàng tạm nhập tái xuất.

Từ năm 2011 đến giữa năm 2013, theo các hợp đồng tuần tự doanh nghiệp làm dịch vụ tạm nhập về đến cảng Hải Phòng rồi nhưng do chính sách quản lý hàng hoá XNK thay đổi, đối chiếu với thời hiệu văn bản ban hành, hàng ngàn container bỗng rơi vào diện vi phạm nên không thể đưa ra khỏi cảng, vận chuyển bằng đường bộ ra Móng Cái - Quảng Ninh để tái xuất sang Trung Quốc.

Mặt khác, phía chính quyền Trung Quốc cũng thắt chặt cơ chế giám sát hàng hoá nhập khẩu, theo đó, rất nhiều lô hàng bỗng chốc biến thành hàng cấm nhập khẩu vào Trung Quốc. Và thế là, các cảng khu vực Hải Phòng trở thành "nhà tạm giam" trên 5.000 container từ đó đến giờ.

Vẫn là bài toán khó

Nhiều năm trước, cảng Hải Phòng đã từng xảy ra vụ hàng trăm container ắc quy chì đã qua sử dụng, phế liệu giấy, sắt, thép vụn qua kiểm tra thực tế đã không đủ điều kiện nhập khẩu, hàng bị đóng băng suốt một thời gian dài. Cho đến khi acid rò rỉ, phế liệu phân huỷ, rác rưởi bốc mùi thì cả thành phố loay hoay suốt cả năm ròng mới tìm ra hướng và tiền để chi phí cho việc di chuyển, xử lý.

Giờ đây, kịch bản cũ lại tái hiện với số lượng hàng tồn lớn gấp 10 lần so với trước. Nhiều đến mức Cục HQHP phải thừa nhận là rất khó để đưa ra lộ trình cụ thể cho đến bao giờ mới kiểm tra thực tế để biết chính xác hàng tồn đọng là hàng gì, bao nhiêu, độc hay không độc.

Hàng tồn đọng tại cảng luôn là nỗi lo nhiều mặt đối với TP Hải Phòng.

Về phương án kinh phí giải quyết tồn đọng cũng là bài toán rất khó đưa ra lời giải đúng. Chỉ riêng tiền lưu bãi đối với 1 container thôi đến nay nếu phải chi trả cũng tốn đến 300 triệu đồng. Về lý thuyết có thể truy thu từ chủ hàng. Nhưng chủ hàng ở đây chỉ là các doanh nghiệp Việt Nam đứng tên nhận hàng chủ yếu để hưởng phí dịch vụ hàng hải, vận tải đường bộ, còn chủ hàng trực tiếp giữa bán và mua đều bên nước ngoài. Phương án khác là có thể phát mại hàng hoá (đối với loại hàng hoá không thuộc diện cấm nhập).

Thế nhưng, chỉ sơ qua mấy dòng hàng như sau: Lốp cao su bán thanh lý cho các nhà chế biến ép lấy dầu, nay giá dầu rẻ, chưa ép đã thấy lỗ nên nhu cầu đó không còn nữa. Có lô hàng khác nếu bán được thì giá chỉ vài chục triệu, chỉ bằng 1/10 so với chi phí lưu kho bãi cho chính nó.

Ngoài ra, dù chưa biết đích xác nhưng chắc chắn sẽ có không ít "công" không thể bán mua mà chỉ có cách xử lý tiêu huỷ. Nếu phải thực hiện, phần kinh phí nhiều khả năng vượt ngoài tầm chi trả bằng ngân sách thành phố.

Ông Phạm Thanh Dương, Phó giám đốc Sở Tài chính TP Hải Phòng cho rằng, bao nhiêu năm qua, khoản thu ngân sách từ cảng chủ yếu giao nộp cho Trung ương, giờ xảy ra việc khó như thế này chỉ còn cách xin Trung ương hỗ trợ kinh phí mà thôi. Ngoài ra, đối với các loại hàng hoá có thể bán thanh lý được thì cũng cần lược bớt khâu thủ tục hành chính, nên bán chỉ định đối với những container giá trị dưới 50 triệu đồng thì mới đẩy nhanh tiến độ.

Như vậy, sau nhiều năm bàn cách giải quyết hàng tồn đọng tại cảng, đến giờ vẫn là việc phải bàn. Có lẽ địa phương đã bàn hết nước nhưng vẫn bí. Do vậy, đã đến lúc Bộ Tài chính, Bộ GTVT (trên lĩnh vực quản lý cảng biển), Tổng cục Hải quan (quản lý nghiệp vụ) cần có những chỉ đạo trực tiếp hơn, cụ thể hơn. Cần coi đây là việc xử lý tình huống khẩn cấp chứ không thể theo nguyên tắc nghiệp vụ thông thường nữa. Cần lấy cái lợi về bảo vệ môi trường an toàn làm mục tiêu hơn là quy định, thủ tục hành chính.

Lê Minh Triết
.
.
.