Làng nghề đặc sản miền Tây nhộn nhịp ngày cận Tết
Tại ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, Tân Hiệp (Kiên Giang), các hộ sản xuất rượu đang tất bật cho ra lò rượu nếp Kênh 5 nức tiếng. Chị Đinh Thị Bích Hằng (chủ một cơ sở sản xuất rượu nếp), cho biết: “Tết này gia đình tôi có kế hoạch cung ứng cho thị trường khoảng 4.000 lít rượu nếp. Đặc biệt, rượu nếp của cơ sở chúng tôi đã lọc Aldehyde nên uống sẽ không bị đau đầu. Tuy được sản xuất công phu từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, nhưng giá bán các mặt hàng rượu nếp của gia đình không tăng”.
Không chỉ có rượu nếp, nhiều năm nay chị Hằng tự mày mò pha chế rượu Kênh 5 với một số loại trái cây để cho ra đời nhiều loại rượu, như: Rượu chuối hột, rượu mơ, rượu nho, rượu la hán quả, rượu sơ-ri… Ngoài ra, tạo sự mới mẻ cho rượu Kênh 5 truyền thống, chị Hằng đầu tư thiết kế mẫu mã, chai rượu, hộp đựng khá bắt mắt…
Cũng tại Kiên Giang, hơn 30 năm nay, cứ dịp áp Tết, xóm làm đũa tre ở xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng lại bận rộn hơn bao giờ hết. Đây là nơi ra đời của những bó đũa tre truyền thống chất lượng cao. Chị Thị Bảnh (người Khmer, ngụ ấp Xẻo Cui), cho biết: “Hai tháng nay đũa vót bao nhiêu bán hết bấy nhiêu vì theo quen niệm của nhiều gia đình muốn thay đũa mới cho năm mới may mắn. Nếu ngày nào cũng vót thì từ nay đến Tết tối cũng kiếm được gần 2 triệu để mua quần áo mới cho con”.
Theo nhiều hộ theo nghề làm đũa nơi đây, điểm đặc biệt khiến đũa tre Xẻo Cui luôn được khách hàng tin dùng là được làm từ những cây tre mạnh tông già, đủ cứng để làm đũa thẳng, nhẵn, không gãy. Khi ra thành phẩm đũa có màu vàng óng, độ bền cao, an toàn cho người dùng.
Nổi tiếng là nơi chế biến nhiều sản phẩm cá khô, làng khô Khánh An, huyện An Phú (An Giang) mỗi năm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng trăm tấn cá khô các loại, như: lóc bông, sặc rằn, trèn... Ông Trang Phước Kha (chủ một cơ sở chế biến khô cá sặc rằn) cho biết, việc sản xuất cá khô nơi đây diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất là thời điểm cuối năm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Nhu cầu tăng gấp hai, gấp ba lần so với ngày thường.
Làng nghề chế biến hải sản khô Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau), tất bật vào vụ Tết. |
Sở dĩ khô sặc rằn Khánh An được ưa chuộng do con to, đen bóng, mỡ nhiều và được chế biến công phu. Cá mang về được rửa sạch, sơ chế, ướp muối, ủ cá rồi mới đem phơi. Khâu ướp, ủ cá rất quan trọng, vì nếu quá mặn cá mất thịt và khó ăn, còn ít muối thịt mủn, mất độ dai. Để có được 1kg cá khô phải cần từ 2,2 - 2,4kg cá tươi nguyên liệu. Do có thị trường tiêu thụ rộng nên khô sặc rằn Khánh An được chế biến nhiều loại khác, nhau: loại 1 nắng, 2 nắng, khô hẳn… để phục vụ người tiêu dùng, với nhiều mức giá phù hợp từ 120.000 - 280.000 đ/kg.
Dịp Tết Nguyên đán, các loại khô ép chân không được ưa chuộng, do được đóng gói cẩn thận và bảo quản trong tủ lạnh được lâu. Theo các lão nông nơi đây, công đoạn phơi cũng rất quan trọng, để không bị ruồi bu mà vẫn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong lúc phơi, cứ 1 - 2 giờ đồng hồ phải xịt rượu trắng lên cá, nhằm giúp cá khô bớt tanh, thơm ngon hơn khi nướng. Chính vì thế, mà giá khô tại đây hơi cao hơn những nơi khác, nhưng vẫn được ưa chuộng.
Những ngày này, làng nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cũng tất bật chuẩn bị hàng phục vụ Tết. Theo UBND xã Trần Hợi, khu vực sản xuất chuối khô tập trung ở các ấp 10A, 10B, 10C với trên 50 hộ hành nghề. Đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương, giải quyết được lượng lớn lao động. Mỗi nhân công làm cho các cơ sở ép chuối khô có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, vụ chính của nghề ép chuối khô bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Tuy nhiên, trên địa bàn xã có 2 cơ sở sản xuất đầu tư lò sấy hiện đại, nên hoạt động quanh năm. Với 30 năm gắn bó với nghề làm chuối khô, gia đình chị Nguyễn Kim Hạnh (ngụ ấp 10C) được xem là nơi có mặt hàng chuối khô chất lượng.
Theo chị Hạnh, sản lượng chuối khô phục vụ Tết tăng từ 30-50% so với ngày thường. Hiện chuối khô được cở sở bán với giá từ 15.000-20.000 đ/kg, nếu đóng gói thì từ 28.000-35.000 đ/kg. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.
Cũng tại Cà Mau, làng nghề làm cá khô ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cũng bận rộn không kém các làng nghề khác. Theo ông Tô Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, là địa phương giáp biển nên các cơ sở làm khô ở đây có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển làng nghề. Để phát huy thế mạnh trên, các cơ quan chức năng đã có chủ trương nạo vét sông cái Đôi Vàm để các phương tiện lưu thông dễ dàng nhằm thu hút các tàu đánh bắt tỉnh bạn vào đây.
Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng chủ lực như cá khô khoai, địa phương sẽ tạo mẫu bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng không chỉ trong dịp Tết mà cả trong năm.
Nức tiếng đồng bằng với chất lượng ngon, bảo quản được lâu và được khách hàng lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán, các lò nem Lai Vung (Đồng Tháp) đang gia tăng sản xuất ở mức cao nhất để đủ số lượng cung ứng cho thị trường. Theo UBND huyện Lai Vung, địa bàn huyện có trên 20 cơ sở sản xuất nem, hầu hết tập trung ở 2 xã Tân Thành, Long Hậu và thị trấn Lai Vung, mỗi ngày cung ứng hàng chục ngàn sản phẩm cho thị trường trong và ngoài khu vực ĐBSCL.