Làm gì để “thúc” tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước?
- Nhiều doanh nghiệp chậm quyết toán sau cổ phần hóa
- Cổ phần hóa: ‘Đúng pháp luật nhưng phải nhanh’
- Nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Thiết bị y tế Việt Nam
Khó từ chủ quan tới khách quan
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho biết: Đến hết quý II-2019, mới có 35/127 DN CPH thuộc danh mục phải CPH theo Công văn số 991/TTg. Như vậy, tiến độ CPH các DN chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng DN còn phải CPH là 92/127 DN, chiếm 72% kế hoạch. Còn về thoái vốn, lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II-2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng…
“Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH, hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Tuy nhiên, tốc độ CPH, thoái vốn vẫn quá chậm so với kế hoạch”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo đại diện Cục Tài chính DN, những hạn chế, tồn tại của quá trình tái cơ cấu DNNN vẫn là hàng loạt nguyên nhân “xưa cũ” kéo giảm tiến độ như một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN; vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.
Quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH. Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần. Rồi việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN CPH đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.
Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này…
Là đơn vị tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các DN, có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và vốn Nhà nước tại các DN được giao quản lý, ông Trần Nguyên Nam - Phó trưởng ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC cho hay, bản thân SCIC cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì hầu hết các công ty TNHH 1, 2 thành viên mà SCIC tiếp nhận có quy mô nhỏ, còn nhiều tồn tại vướng mắc về tài chính kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất hết vốn nhà nước không đủ điều kiện triển khai CPH.
Các quy định pháp luật về thoái vốn còn chồng chéo tại nhiều văn bản. Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía DN là đối tượng thoái vốn, như: tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại DN, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước; DN làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...
CPH giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. |
Cần nâng cao tính công khai, minh bạch
Theo chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long, khi nhắc đến CPH, thoái vốn, một trong những điều chúng ta vẫn thường nghe đến nhất là “đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước” hoặc “bán được giá cao nhất” và “không gây thất thoát cho Nhà nước”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc CPH, thoái vốn nhà nước còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn là giúp nâng cao năng lực quản trị DN, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.
Ông Long cho rằng, việc Nhà nước còn nắm tỉ lệ sở hữu lớn khiến DNNN khó thay đổi về chất. Trong nhiều trường hợp, chậm CPH, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Vì vậy, theo ông Long, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của bộ, ngành và các bên liên quan trong CPH, thoái vốn khi mà kế hoạch, danh mục Thủ tướng đã phê duyệt cho cả giai đoạn. Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật thì cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý; ai có đủ thẩm quyền phê duyệt, tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, gây ách tắc, trì trệ.
Thứ hai là, trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu”. Tuy nhiên, trong quá trình CPH, thoái vốn nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt.
Ông Vũ An Khang, Tổng Giám đốc Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cho rằng, dù các văn bản quy phạm phát luật về CPH, thoái vốn ngày càng hoàn thiện, nhưng áp dụng vào trong thực tế muôn màu, muôn vẻ, nên đơn vị tư vấn và DN CPH, thoái vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ, hiện nay nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện đang xin giãn tiến độ CPH do nhiều nguyên nhân, trong đó hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.
Để đẩy nhanh tiến trình CPH, VVFC đề xuất Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị DN đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị DN. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.
Còn ông Nguyễn Như Quỳnh, PTGĐ phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đề xuất tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến CPH, thoái vốn nhà nước; có biện pháp đôn đốc và xử lý nghiêm đối với những DNNN CPH từ trước đây nhưng vẫn chưa đưa cổ phiếu lên UPCoM.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường UPCoM. Cùng với đó là phải nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng hoạt động, quản trị của DNNN CPH.