Kỳ vọng ngành cá tra sớm vượt qua khó khăn hậu COVID-19

Thứ Năm, 28/05/2020, 07:17
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, xuất khẩu (XK) cá tra giảm mạnh. Theo dự báo, ngành cá tra có khả năng phục hồi từ quý 3/2020 nên ngành chức năng khuyến cáo cần có kịch bản điều tiết sản xuất, tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ XK.


Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã bùng phát, diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, Hàn Quốc,… cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của XK cá tra của Việt Nam.

Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch XK cá tra của Việt Nam đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tất cả thị trường lớn XK cá tra trong 3 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Chuỗi ngành hàng cá tra từ hộ nuôi đến DN chế biến XK, ngành phụ trợ như: thuốc thủy sản, thức ăn... đều ảnh hưởng. Diện tích nuôi mới cá tra cả nước là 777 hécta (giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019), diện tích thu hoạch là 602 hécta (giảm 20,8%), sản lượng đạt gần 180.000 tấn (giảm 23,6%).

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá cá tra nguyên liệu chỉ ở mức 18.500-19.000 đồng/kg nhưng DN chỉ ưu tiên thu mua cá trong chuỗi liên kết hoặc của DN.

Chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, trong quý 1, địa phương có 480 hécta diện tích nuôi cá tra, đã thu hoạch 100 hécta, sản lượng 31.000 tấn nhưng giá bán chỉ từ 17.000-18.500 đồng/kg. Giá cá tra sản xuất 24.000 đồng/kg nên người nuôi hết sức khó khăn. Cũng có những hộ nuôi có lợi nhuận tốt, đó là những người nuôi gia công cho DN hoặc người nuôi gắn kết với DN. Nhưng những hộ nuôi có lời chỉ chiếm 1/4 tổng số hộ nuôi cá tra trên địa bàn, còn lại là thua lỗ.

Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK thủy sản Cần Thơ cho rằng chưa bao giờ tình hình khó khăn như hiện nay. Tất cả gần như bế tắc, đồng loạt từ bán hàng, tồn kho, thanh toán, nuôi trồng, người lao động trong DN gặp khó khăn chồng chất.

Theo bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động hết sức nặng nề đối với ngành cá tra Việt Nam, cả về sản xuất, chế biến và XK.

Với những đơn hàng XK đã ký của doanh nghiệp, có đến 20-40% số đơn hàng bị đối tác yêu cầu hoãn và hủy, chủ yếu từ EU và Trung Quốc. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thông tin rằng, Trung Quốc hiện đã kiểm soát được dịch và hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục. Hơn nữa, hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu chính hiện ở mức thấp.

“Dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý III-2020, riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5-2020. Vì vậy, cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và XK”, ông Luân kiến nghị.

Bộ NN&PTNT đề nghị, trong tháng 5 và tháng 6-2020, có thể tập trung vào XK sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc, từ tháng 6, tháng 7 xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Theo đó, tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống như sử dụng chế phẩm sinh học, vaccine, ương trong nhà mát để tăng sức đề kháng cho cá giống, nâng cao tỉ lệ sống và hiệu quả sản xuất. Hỗ trợ DN phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, gắn với thực hiện đề án sản phẩm quốc gia làm lực đẩy cho nghị định cá tra phát huy tác dụng.

“Truyền thông vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chiến lược lâu dài và chuyên nghiệp nhằm giúp người tiêu   dùng nhận diện và tin dùng sản phẩm cá tra Việt Nam. Các thông tin sai lệch sẽ không còn dừng lại ở một kênh truyền hình hay trong phạm vi địa lý cụ thể, mà sẽ truyền đi với tốc độ chóng mặt. Khi đó, dù thông tin đã được đính chính thì người tiêu dùng nhiều nơi sẽ không thể nghe thấy và vẫn bị tác động.

Vì tính chất rủi ro như vậy nện hoạt động marketing, truyền thông chuyên nghiệp, trực tiếp đến người tiêu dùng quốc tế, để xây dựng hình ảnh, gây dựng lại niềm tin về ngành cá tra Việt Nam là hết sức cấp bách”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh.

Như Anh
.
.
.