Tham gia các Hiệp định EVFTA và IPA: Doanh nghiệp phải cạnh tranh ngay tại sân nhà

Thứ Bảy, 29/06/2019, 09:32
Ngày 30-6 tại Hà Nội, theo kế hoạch, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định tự do thương mại FTA (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định IPA) sau 9 năm đàm phán. 

Theo các cam kết, EU sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực. Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm hiệp định này có hiệu lực là hơn 99%. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. 

Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt khi EVFTA đi vào thực thi.

PV: Thưa ông Vũ Tiến Lộc, Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA theo kế hoạch sẽ được ký kết vào ngày 30/6, đây thực sự là một tin vui đối với Việt Nam và cả Liên minh châu Âu đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Điều đầu tiên là cảm nhận của ông như thế nào khi nghe tin chính thức này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Là thành viên đàm phán FTA Việt Nam và EU, khi nghe tin này tôi rất vui. Vì châu Âu là nền kinh tế thế giới, là trái tim và là thị trường lớn, khởi nguồn của công nghệ thế giới, trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo toàn cầu. Khi khai thông được với EU, chúng ta coi như đã xây dựng đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với thị trường hàng đầu thế giới. 

Hành trình tiến tới ký kết là gian nan, trong quá trình đàm phán, rà soát văn bản, hành trình phê chuẩn của quốc hội châu Âu, và Việt Nam, chúng ta hy vọng năm nay, nó mở cơ hội lớn cho Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc.

PV: Hiệp định EVFTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ mang lại lợi ích như thế nào đối với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam?

TS. Vũ Tiến Lộc: 28 thành viên thuộc liên minh châu Âu (EU) là những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong các thành viên thuộc EU có nhiều đối tác thương mại “tỷ USD” của Việt Nam như Đức, Hà Lan, Pháp, Anh… 

Theo cập nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5-2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 22,8 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch thương mại với cả châu Âu nói chung (22,8/26,2 tỷ USD). Đáng chú ý, Việt Nam chiếm ưu thế trong quan hệ thương mại với EU khi đạt con số xuất siêu ấn tượng. 

Cụ thể, 5 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu 17 tỷ USD và nhập khẩu 5,8 tỷ USD, như vậy nước ta xuất siêu hơn 11 tỷ USD. Hết tháng 5, EU đang chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và 10,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Hiện nhiều nhóm hàng chủ lực của Việt Nam đang có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường thuộc Liên minh châu Âu.

Theo đó, những cam kết mở cửa mạnh mẽ trong Hiệp định sẽ giúp mở cửa hơn nữa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, nhất là dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ... 

Với dệt may, EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành với mức tăng trưởng hằng năm 7%-10%, chỉ đứng sau Mỹ. Năm 2018, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD sang thị trường EU. 

Điều đó cho thấy, hiện nay xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đều chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nếu phê chuẩn chính thức, con số này có thể tăng gấp đôi, gấp 3 trong tương lai. Đây là chuyện hoàn toàn đặt tới được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là xuất khẩu hay đầu tư mà là chất lượng dòng chảy của hàng Việt. 

Với EU, thị trường cao, giá hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng về giá trị hơn, đồng thời khiến hàng Việt nâng tầm giá trị của mình.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đừng chỉ chú trọng và nhìn vào khối lượng mà cần quan tâm đến giá trị của từng mặt hàng. Với châu Âu, chúng ta cần tận dụng điều này bởi vì thị trường châu Âu họ bổ sung, tương hỗ cho kinh tế Việt Nam.

PV: Trong những năm qua, dòng vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam còn khiêm tốn, theo ông khi Hiệp định được ký kết thì sức hút của Việt Nam đối với dòng vốn FDI này sẽ như thế nào?

TS. Vũ Tiến Lộc: Việt Nam đang trong quá trình phát triển cần rất nhiều vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghiệp kỹ thuật cao. Trong khi đó, EU có nhiều nguồn vốn, khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA được ký kết và thông qua thì dòng vốn từ EU sẽ đổ vào Việt Nam. Hiệp định  EVFTA được ký kết thì giá hàng hoá, máy móc thiết bị sẽ rẻ đi rất nhiều, Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp nhận. 

Theo đó, FDI từ EU vào sẽ sạch hơn, chất lượng hơn, công nghệ tiên tiến hơn. Muốn thu hút được đầu tư từ EU, Việt Nam phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điện, nước, nguồn nhân lực, nhà xưởng KCN để sẵn sàng đón DN EU đầu tư.

Theo đó, tác động của EVFTA giúp thu hút FDI từ EU vào Việt Nam, họ muốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng giá trị của Việt Nam như nhân lực trẻ, kinh tế mở để xuất ngược trở lại, từ đó Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng đầu tư, việc bây giờ là cần tái cơ cấu dòng vốn FDI, những dòng đầu tư Mỹ, Nhật, EU cần khơi thông vì nó đi liền với nhiều công nghệ sạch, quy trình quản lý sạch.

Khi làm ăn với EU, một đối tác dẫn dắt thế giới và khó tính, doanh nghiệp Việt, người Việt có thể nâng cấp mình lên. Chơi với người ở chuẩn mực cao chúng ta sẽ trở thành doanh nghiệp hiện đại.

Tác động vô cùng lớn đó chính là khi tham gia vào áp lực để thay đổi thể chế kinh tế trong nước, trong tầm nhìn 2045, Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, chúng ta muốn lọt 20 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, tức là phải vươn tới chuẩn của OECD... 

Như vậy, bắt tay với EU, chúng ta sẽ có cơ hội để chúng ta hiện thực hóa ước vọng của dân tộc mình, tôi nghĩ cơ hội EVFTA mang tính tích hợp chứ không phải riêng lẻ.

PV: Vậy theo ông, thách thức đối với doanh nghiệp Việt trong sân chơi lớn này là gì?

TS. Vũ Tiến Lộc: Châu Âu là một thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và rất khắt khe. Đơn cử, trước đây, nông sản Việt xuất sang một số nước, trong đó có Trung Quốc chất lượng không quá khắt khe, xuất chủ yếu qua đường tiểu ngạch. 

Nhưng gần đây họ chặn tiểu ngạch, yêu cầu chứng nhận xuất xứ nguồn gốc… Một thị trường dễ tính bậc nhất với hàng Việt đã đòi hỏi như vậy thì với châu Âu còn khắc nghiệt hơn, chúng ta phải thay đổi. Các doanh nghiệp sẽ không có thị trường nếu không minh bạch, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. 

Ở EU, người ta còn để ý quá trình sản xuất hàng hóa đó, sản phẩm đó có nhân văn hay không, nếu người ta phát hiện hàng nhập khẩu đó tiếp tay cho sự không nhân văn, hủy diệt tài nguyên thì họ sẽ tẩy chay. Khi chơi với EU hay với Mỹ, Nhật Bản, chúng ta không thể chơi kiểu tù mù được, phải làm ăn chuyên nghiệp hơn.

Đặc biệt, trong nội tại doanh nghiệp đến nay Việt Nam mới hiện thực hoá được 40% giá trị từ các FTAs mang lại và trong số này phần giá trị doanh nghiệp Việt nắm bắt chỉ khoảng 12%. Đây là thách thức khi EVFTA được ký và có hiệu lực.

Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, không phải ra thế giới mới cạnh tranh, các doanh nghiệp quốc tế đang đem hàng đến cả sân nhà mình rồi, chúng ta phải cạnh tranh ngay ở sân nhà mình. Để cạnh tranh thành công thì chính doanh nghiệp cần phải quyết liệt trong đổi mới tư duy và đầu tư tìm hiểu thông tin một cách bài bản, chuyên nghiệp. Đặc biệt là tính liên kết.

Tôi rất buồn khi khu vực FDI vẫn là ốc đảo, không kết nối được, với doanh nghiệp Việt. Hiện nay, chính doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân Việt Nam mới là người cần đóng góp nhiều vào sự phát triển của đất nước, tất cả giá trị phát triển đều phụ thuộc vào liên kết này. Các doanh nghiệp Việt có thể vươn lên nắm bắt cơ hội, không chỉ cam phận lắp ráp đâu mà phải tỉnh táo. 

Gần đây, tôi thấy đầu tư Trung Quốc tăng vào Việt Nam, nhưng chủ yếu là lắp ráp. Nhưng, nếu chúng ta mãi an phận là công xưởng gia công hay sao. Cùng sân chơi, cùng cơ hội sao người Việt lại không bằng họ. Chúng ta phải là công xưởng xanh của thế giới, chứ không thể là công xưởng bẩn của thế giới.

PV: Trân Trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.