Hàng hóa dồi dào, không tăng giá trong thời gian giãn cách xã hội
- Các thành phố và hai thị xã ở Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội
- TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5
Chiều tối 30/5, tại chợ Phú Xuân (huyện Nhà Bè), PV Báo CAND ghi nhận sức mua tăng đột biến, chủ yếu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như trứng, thịt, cá, rau củ quả. Chị Thu (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) cho biết: "Tôi thường đi chợ Phú Xuân vì chợ gần nhà, chợ này bán đến chiều tối nhưng hôm nay mới có 4 giờ chiều mà hàng rau quả hết trơn, chỉ còn lại hàng dập, xấu. Người bán hô giá nào thì trả giá đó, nếu không mua nhanh thì người khác mua mất, nên dù hàng xấu cũng phải chấp nhận mua giá cao. Còn tại sạp cá thì khỏi phải nói, người mua đông đến nỗi phải xếp hàng".
Cũng tình cảnh mua hàng để tích trữ, chị Liên (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) cho biết, chiều 30/5 chị đã phải "xếp hàng" nhưng chưa mua được rau củ quả và các loại thịt, cá để dự trữ trong những ngày giãn cách xã hội. Sáng 31/5, chị đi chợ từ rất sớm nhưng cũng chỉ mua được một ít rau củ quả, còn thịt cá thì không mua được do "chậm" chân. "Bình thường tôi mua 2 bịch rau củ này giá 150.000 đồng, nhưng nay 250.000 đồng, khi tính tiền mà tôi cứ ngẩn ngơ cứ tưởng mình nghe nhầm", chị Liên nói.
Người dân đi siêu thị mua các loại đồ khô để tích trữ. |
Trong ngày 30/5, tại các chợ truyền thống, hoặc tại các điểm bán, người dân tập trung chủ yếu mua các loại rau củ quả và thịt, cá tươi. Còn tại các hệ thống siêu thị, NTD tiêu thụ mạnh nhất là các mặt hàng: Sữa và các sản phẩm từ sữa, mì gói, nước chấm, bánh ngọt... Chính vì mua số lượng lớn hàng để dự trữ nên trong ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội, các siêu thị đã giảm hẳn sức mua, hàng hóa được châm bổ sung nên vẫn đầy liên tục. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, kể cả các cửa hàng tiện lợi sức mua vẫn tăng mạnh, nhưng hàng hóa không đáp ứng đủ nhu cầu của NTD.
Trước lo ngại của NTD sẽ thiếu hàng hóa trong đợt giãn cách xã hội, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong thời gian TP giãn cách, các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... vẫn mở cửa hoạt động bình thường với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Vì vậy, người dân không cần quá lo lắng đổ xô đi mua hàng tích trữ, dẫn đến hiện việc chen chúc, không tuân thủ các quy định chống dịch".
Cũng theo Sở Công Thương, nhằm chủ động, đảm bảo cung - cầu và ổn định giá cả hàng hóa, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện "Chương trình bình ổn thị trường; Ứng phó khẩn cấp dịch COVID-19".
Theo đó, thành phố triển khai thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường gắn với 4 nhóm mặt hàng gồm: Lương thực, thực phẩm thiết yếu; hàng phục vụ mùa khai giảng; sữa; dược phẩm thiết yếu.
Có 35 doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: gạo, các sản phẩm từ gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị. Các DN này được giao cung ứng ra thị trường 2.564 tấn lương thực trong tháng thường, nhưng giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19 là 2.941 tấn; 3 DN được giao cung ứng 5,9 tấn sữa trong tháng thường và 6,5 tấn/tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19.
Riêng với mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch, có 6 DN được giao chuẩn bị, cung ứng 65.650.000 khẩu trang và 4.520.000 chai nước rửa tay kháng khuẩn trong 3 tháng… Hàng bình ổn thị trường chiếm khoảng 25%-50% tùy nhóm hàng. Về giá cả, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đảm bảo có giá thấp hơn giá thị trường của sản phẩm loại từ 5-10%.
Như vậy, với nguồn hàng bình ổn thị trường và hàng hóa do TP Hồ Chí Minh liên kết với 22 tỉnh, thành đang lưu thông thông suốt, Sở Công Thương cũng khẳng định, hàng hóa hiện nay dồi dào, không khan hiếm, không tăng giá, nên người dân yên tâm mua sắm.