Hàng Việt chiếm 80-90% tại kênh phân phối hiện đại

Thứ Hai, 13/05/2019, 08:54
Tối 11-5, tại TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2019 tổ chức khai mạc Tuần nhận diện hàng Việt Nam năm 2019 - Chào mừng 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Theo Bộ Công Thương, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong 10 năm qua, các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của cuộc vận động, và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Cụ thể, đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng (NTD) Việt. Bên cạnh đó, cuộc vận động cũng đã khơi được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. 

Từ chỗ vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đến nay đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được NTD, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Tỷ lệ hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Đặc biệt, cuộc vận động đã phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. 

Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ôtô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm của ngành dệt may nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm...)

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây. 

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới mức 5% trong những năm gần đây (năm 2018, 2017, 2016, chỉ số CPI lần lượt ở các mức 3,54%, 3,53% và 2,66%). 

Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.

Để tiếp bước thành công của chặng đường 10 năm của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng chương trình nghiên cứu, đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu. 

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, tạo điều kiện cho DN tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường…

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, chương trình tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã và đang được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc, nhằm khích lệ NTD, DN sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động ngày càng mạnh mẽ hơn.

Đây là sự kiện khởi động chuỗi hoạt động chào mừng 10 năm thực hiện cuộc vận động do Bộ Công Thương thực hiện. Chương trình hướng đến mục tiêu tạo sự lan tỏa rộng rãi tới hàng triệu NTD trên cả nước thông qua các hoạt động, sự kiện diễn ra trên khắp các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Thúy Hà
.
.
.