Giải pháp kiểm soát thịt lợn: Cần phải quyết liệt, nghiêm minh, đồng bộ

Thứ Hai, 16/10/2017, 09:48
Đó là ý kiến bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh trao đổi với PV Báo CAND xung quanh vấn đề làm sao ngăn chặn tình trạng thịt lợn bị dính chất cấm, thuốc an thần.

Theo bà Lan, Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn thành phố đang nỗ lực cho thấy còn quá nhiều kẽ hở là nguyên nhân khiến "gian thương" lộng hành.

PV: Người dân TP HCM vẫn chưa hết sốc vì vụ việc 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á-Củ Chi, gần đây lại tiếp tục phát hiện một lò giết mổ khác đang có 70 con lợn bị tiêm thuốc an thần. Bà nhận định ra sao về việc này?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Việc quản lý ATTP tại thành phố hiện có sự phân cấp. Ở giai đoạn lợn giết mổ, trách nhiệm quản lý thuộc Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT). Còn khi thịt lợn ra đến chợ đầu mối, đến tay người tiêu dùng (NTD) thì thuộc trách nhiệm của Ban ATTP. Như vậy, phần việc y tế quản lý là "phần ngọn". Do đó, nếu khâu quản lý từ gốc là trang trại, quá trình nuôi... mà Sở NN&PTNT bị yếu một khâu nào đó sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi.

Sau vụ việc phát hiện lợn bị tiêm thuốc an thần, Ban ATTP đang phối hợp tăng cường việc kiểm soát nguồn gốc, tăng cường việc lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, cái khó là hoá chất mà gian thương cho vào cám bã nuôi tăng trọng, hay thuốc an thần tiêm cho lợn... quá nhiều, việc xét nghiệm tìm chất cấm như thuốc an thần mới làm được trên mẫu nước tiểu lợn. Trên mẫu thịt lợn lấy từ chợ như vụ việc vừa qua thì ta chưa làm được.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban ATTP TP Hồ Chí Minh.

PV: Theo qui định mới, bắt buộc từ ngày 16-10, lợn đưa vào chợ đầu mối tiêu thụ phải được đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc. Theo bà, liệu đây có thực sự là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn được tình trạng lợn bị dính thuốc an thần hay không?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi, cách mà ngành Thú y, Công Thương đang thực hiện với chiếc vòng nhận diện có lẽ chỉ làm hạ nhiệt tạm thời mối bất an của người dân trước vấn nạn thịt lợn bị dính chất cấm mà thôi! Trong các vi phạm về ATTP, yếu tố chính là do con người. Sở dĩ lợn dính thuốc an thần, do có con người "can thiệp" vào qui trình giám sát, cố tình thoả hiệp với cái xấu, "bắt tay" với gian thương. Nếu đội ngũ tham gia vào guồng máy giám sát, quản lý ATTP thiếu công tâm, thì sẽ tiếp tục xuất hiện những vụ lợn dính thuốc an thần khác.

PV: Việc "truy xuất" đã thực hiện khởi động từ tháng 7-2017 cho tới cuối tháng 9-2017 thì xảy ra vụ lò giết mổ Xuyên Á, vì vậy người dân không khỏi nghi ngờ về qui trình này, theo bà, qui trình chưa ổn ở chỗ nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Ta phải khẳng định luôn là qui trình truy xuất còn quá nhiều lỗ hổng. Vòng nhận diện đeo ở chân lợn cho biết thông tin về người nuôi, cơ sở, số lượng... nhưng từ bài học về hàng chục tấn chất Salbutamol bị thất thoát để trộn vào thức ăn nuôi lợn để tạo nạc cho thấy, qui trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn chưa tạo được sự an tâm cho người dân. Băn khoăn nhất là thương lái được quyền đeo vòng nhận diện cho lợn. Vậy ai giám sát việc này?

NTD thực tế không hề quan tâm là miếng thịt lợn mình mua, được nuôi ở trang trại nào, tại tỉnh nào, mà là ăn vào có an toàn không. Sở Công Thương đưa ra đề án nhưng chưa trả lời được với dư luận qui trình đã thực sự an toàn hay chưa, hở ở khâu nào thì đề án cần xem xét thêm.

PV: Bà nghĩ sao về khẳng định của đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT rằng, 95% lượng thịt lợn trong thành phố về các chợ đầu mối đã được truy xuất nguồn gốc. Chỉ có 5% tại chợ nhỏ lẻ là chưa được truy xuất?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Khẳng định như vậy thì có lẽ Thanh tra Bộ NN&PTNT quên mất rằng, khi vụ việc trên xảy ra, chiếm số lượng lớn trong hơn 4.000 con lợn ngấm thuốc mê, phần lớn là sẽ được đổ về chợ đầu mối Hóc Môn, cung ứng cho thành phố… Như vậy, lượng heo được đeo vòng nhận diện tại đây cũng chiếm tỉ lệ cao nhất. Vậy, cần phải khẳng định ngay rằng, việc đeo vòng này chưa thể yên tâm.

Thứ nữa, việc thương lái hiện nay được quyền đeo vòng nhận diện sẽ có nhiều cái lo như để "đối phó", đeo vòng không có thông tin. Vì không ai kiểm soát được việc thương lái đeo vòng nhận diện nhưng vẫn tìm cách "can thiệp" vào? Bản thân tôi hoan nghênh các sở ngành chuyên môn cùng tham gia vào quá trình giám sát ATTP nhưng đòi hỏi phải có hiệu quả, thực chất. Ban Quản lý ATTP chỉ là một mắt xích trong quá trình đảm bảo ATTP cho NTD! Nhưng, thương lái mà "gian manh" thì đề án nào giám sát nổi?

PV: Như vậy, theo bà có cách gì để Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn mà thành phố đang quyết tâm thực hiện có kết quả?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần xảy ra ngay trước mũi cán bộ thú y thì quy định trên của ngành xem ra chẳng có ý nghĩa gì! Nếu Sở Công Thương cho rằng cứ truy xuất như thế là đủ rồi là rất chủ quan. Quan trọng là qui trình truy xuất phải làm sao tính tới việc không có ai xen vào quá trình từ người nuôi, thương lái, giết mổ. Chứ không phải chỉ lo thiết kế ra cái vòng để đeo vào con lợn mà đã an tâm.

Trong mắt nhìn nhận của nông dân thì việc truy xuất đang mang tiếng "sang trọng" quá! Họ khó theo! Cũng trong Đề án truy xuất, không  phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ khi ra chợ tìm được miếng thịt lợn không có chất cấm.

PV: Theo bà giải pháp cần làm thời gian tới là gì?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Về lâu dài, ta hướng tới xây dựng việc chăn nuôi, giết mổ tập trung. Việc qui về một mối sẽ dễ quản lý hơn, nhưng cũng lưu ý, nếu có vi phạm sẽ xảy ra trên diện rộng. Nên chăng, có thể thí điểm trên một số lượng nhỏ, trên số lượng lợn trong trang trại ta kiểm soát được. Vấn đề đeo vòng nhận diện làm sao phải giống như hình thức niêm phong!

Để từ khi nuôi nhốt lợn cho tới khi xuất chuồng gian thương không thể "can thiệp" được. Việc cần làm ngay nữa là tập trung kiểm soát các chất cấm, các loại thuốc thú y đang bị lạm dụng. Rà soát lại vấn đề nhập, sử dụng thuốc an thần trong thú y. Chứ cứ sa đà vào công nghệ truy xuất mà quên nhiều việc quan trọng hơn phải làm thì đề án gì cũng "đổ sông đổ biển" mà thôi!

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Huyền Nga
.
.
.