Từ vụ gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ

Khẩn trương siết chặt “đường đi” của thịt lợn

Thứ Sáu, 06/10/2017, 07:46
Liên quan đến vụ 3.750 con lợn bị phát hiện tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), ngoài việc buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn này, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh còn chỉ đạo xử phạt, tạm dừng hoạt động của cơ sở này; giao Sở Công thương có biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt lợn.

Tuy nhiên, để kiểm soát tốt chất lượng thịt lợn khi bán ra thị trường, nhiều người cho rằng cần kiểm soát nghiêm ngặt quy trình truy xuất nguồn gốc, trám “lỗ hổng” còn tồn tại như thời gian qua.

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo này, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng vừa trình UBND thành phố phương án bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt lợn trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi tạm dừng hoạt động.

Theo đó, Sở Công thương đã làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan và được các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh cho biết nguồn cung lợn hơi đang dư thừa và cam kết trong trường hợp TP Hồ Chí Minh yêu cầu sẽ sẵn sàng cung cấp, không để tình trạng khan hiếm xảy ra.

Tiểu thương chợ Bến Thành bán thịt lợn có truy xuất nguồn gốc.

Thay thế cơ sở giết mổ Xuyên Á (khoảng 5.000 con/ngày) thì cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy (Đồng Nai) có khả năng tăng thêm 700 con/ngày, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) có thể tăng thêm 1.300 con/ngày và các cơ sở khác có khả năng bổ sung 1.500 con/ngày.

Ngoài ra, để bảo đảm không xảy ra thiếu hụt hàng hóa và biến động giá thịt lợn, Sở Công thương làm việc với các siêu thị để tăng sản lượng cung ứng, cam kết không để thiếu hụt hàng hóa và bán đúng giá bình ổn thị trường. Yêu cầu Vissan bảo đảm nguồn cung cho tất cả các điểm bán trên hệ thống của Vissan.

Về việc quản lý, kiểm soát lợn từ trang trại chăn nuôi cho đến tay người tiêu dùng (NTD) như trong thời gian qua cho thấy “lỗ hổng” lớn nhất vẫn là ở khâu thương lái và kiểm tra thú y. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết với đề án truy xuất nguồn gốc thông tin lợn  nuôi thông qua đeo vòng nhận diện hiện nay chỉ được làm tốt ở chủ thể ban đầu là các hộ chăn nuôi, trang trại; thông tin được khai báo thông qua vòng đeo có tỷ lệ khoảng 80%. Nhưng tỷ lệ này sẽ bị “bốc hơi” khi đến cơ sơ giết mổ, do không có việc giám sát của cơ quan thú y. Và tỷ lệ này cũng sẽ tiếp tục hao hụt khi ra đến chợ đầu mối.

Theo quy trình truy xuất nguồn gốc, lợn đưa từ trang trại đến lò mổ, sau đó đưa ra thị trường, ở mỗi khâu mỗi bộ phận phụ trách đều phải có trách nhiệm kiểm tra, kích hoạt thông tin để chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, lợn xuất từ trang trại thì được người chăn nuôi đeo vòng và kích hoạt thông tin, nhưng khi chuyển giao cho thương lái vận chuyển đến lò giết mổ thì thông tin không còn đảm bảo.

Bởi, không ít thương lái trên đường vận chuyển đã mở niêm phong trà trộn lợn không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, nhiệm vụ của thú y thì là kiểm tra niêm phong nhưng... lại không phát hiện sự gian lận của thương lái nên lợn vẫn mặc nhiên được đưa vào lò giết mổ. Điển hình như số lợn đưa vào lò giết mổ đêm 28-9, có hơn 3.000 con có đeo vòng, nhưng trong số đó có số lượng lớn lợn đeo vòng khống (tức là có đeo vòng nhưng không có thông tin truy xuất nguồn gốc), nhưng cán bộ thú y không phát hiện được.

Ngoài việc chưa quản lý được truy xuất nguồn gốc, việc chưa quy hoạch được lò giết mổ hiện đại cũng đang là vấn đề khiến “thịt bẩn”, thịt bệnh chưa được ngăn chặn. TP Hồ Chí Minh hiện có 11 lò mổ thủ công đang hoạt động, hầu hết không đạt chuẩn nằm rải rác ở nhiều khu vực tại các huyện ngoại thành, không tập trung nên khó quản lý.

Phần lớn các chủ cơ sở giết mổ này là chủ cơ sở hạ tầng, cho thuê lại mặt bằng để thương lái giết mổ. TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần tính đến chuyện di dời các lò mổ vào khu tập trung vừa dễ xử lý ô nhiễm, vừa dễ cho khâu kiểm tra.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, TP Hồ Chí Minh sẽ chấm dứt hoạt động  toàn bộ các lò giết mổ thủ công không đảm bảo yêu cầu, chuyển dần sang các lò giết mổ công nghiệp, tập trung (được đầu tư hiện đại) để hình thành chuỗi thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm trễ đã gây khó khăn trong việc quản lý tại các lò giết mổ.

Theo các chuyên gia, để kiểm soát được nguồn thịt sạch vào địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngoài việc kiểm soát chặt từng khâu từ trang trại cho đến khi thịt bán ra ngoài thị trường, TP Hồ Chí Minh cũng cần nhanh chóng xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp, tập trung để loại bỏ những cơ sở giết mổ manh mún, không đạt chuẩn.

T.Hà
.
.
.