Quyết liệt “cuộc chiến” với “công nghiệp đen”

Giả từ khẩu trang đến… bao cao su

Chủ Nhật, 26/11/2017, 12:15
Mặt hàng bị làm giả càng ngày càng tăng lên, từ chai rượu, nước hoa ngoại nhập vốn có giá đắt đỏ (nếu là hàng thật), cho đến hộp sữa, bịch bột ngọt, hộp khăn giấy, thậm chí chiếc khẩu trang, bao cao su cũng bị làm giả.

Mỗi năm, thế giới mất khoảng 2,5 triệu việc làm vì hàng giả. Tại các nước phát triển, mất mát về thuế và an sinh xã hội do hàng giả là 125 tỷ USD. Tại Việt Nam, theo nhìn nhận của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, bên cạnh việc làm giả những sản phẩm có giá chỉ vài ngàn đồng, xu hướng làm giả những mặt hàng có giá trị lớn, đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao ngày càng phổ biến.

Các bị cáo trong một vụ án sản xuất, tiêu thụ hàng giả.

Tại buổi tọa đàm chuyên đề do Báo CAND tổ chức ngày 10-11 tại TP Hồ Chí Minh, đại diện một doanh nghiệp (DN) phản ánh nỗi “đau đầu” khi hàng hóa bị làm giả, nỗi xót xa khi thương hiệu do mình dày công gầy dựng bị ảnh hưởng xấu do hàng giả.

Nói về “cuộc chiến” khá cam go, quyết liệt với ngành “công nghiệp đen” vào “mùa làm ăn”, Trung tá Nguyễn Thanh Nguyên, Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đối tượng ráo riết làm ngày, làm đêm, cho ra đời rất nhiều sản phẩm giống như sản phẩm thật đang “hút hàng” trên thị trường. Và đó cũng là thời điểm các trinh sát rất thường xuyên phải nằm ở địa bàn, ròng rã có khi nhiều tháng trời đeo bám đối tượng nghi vấn…

Điều khiến các anh lo ngại nhất là mặt hàng bị làm giả càng ngày càng tăng lên, từ chai rượu, nước hoa ngoại nhập vốn có giá đắt đỏ (nếu là hàng thật), cho đến hộp sữa, bịch bột ngọt, hộp khăn giấy, thậm chí chiếc khẩu trang, bao cao su cũng bị làm giả.

Tại kho tang vật đang trong tình trạng quá tải tại quận 9, hướng dẫn cho chúng tôi xem thiết bị của một DN chuyên dùng để sơn và in chữ lên bề mặt thùng phuy nhái một nhãn hiệu dầu nhớt nổi tiếng thế giới, lãnh đạo Đội 7 cho biết, để “hốt” được “mẻ” này vào trung tuần tháng 10-2017 vừa qua, các trinh sát khá vất vả từ khoảng 6 tháng trước đó. Đến nay, đã có 5 đối tượng trong đường dây sản xuất dầu nhớt giả, giá trị tang vật tạm giữ trên 1 tỷ đồng này bị khởi tố.

Vụ việc được phát hiện vào ngày 11-10 vừa qua tại một chành xe trên địa bàn quận 8 khi các trinh sát phát hiện ôtô tải BKS 51D-206.72 do Ngô Đình Đông (23 tuổi) điều khiển đang bốc dỡ 30 thùng nhớt loại 18 lít và 3 thùng phuy loại 209 lít/thùng mang nhãn hiệu Castrol nghi là giả để gởi cho khách hàng ở Phan Thiết (Bình Thuận).

Đại diện Castrol khẳng định số nhớt này không phải hàng của DN mình sản xuất. Tài xế khai nhận mình thường đến địa chỉ 84/5A Nguyễn Thị Lý (ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) để lấy hàng giao cho khách. Thực hiện lệnh khám xét tại 6 địa điểm có liên quan và thu giữ nhiều tang vật.

“Trước vụ này, cũng qua nhiều ngày đeo bám địa bàn, đối tượng, chúng tôi cũng phát hiện nhiều vụ kinh doanh, sản xuất nhớt giả các loại, với giá trị hàng hóa thu giữ hàng trăm triệu đồng, trong đó có vụ liên quan đến Công ty CP Dầu nhờn Supers”, một trinh sát cho biết. 

Lâu nay, người ta thường chỉ nghe nói nhiều về tình trạng rượu “ngoại” giả với tỷ lệ có khi lên đến 90% tại các quán bar, nhà hàng, vũ trường nhưng giờ, các loại rượu được sản xuất trong nước, vừa có thương hiệu là ngay lập tức bị làm giả. Trước mặt chúng tôi là đống tang vật của vụ sản xuất giả rượu cả “nội” lẫn “ngoại”.

Quả thật, nếu như số tang vật này không đang nằm trong kho vật chứng, tôi không thể nghĩ đó là giả. “Để cất vó được vụ này, các trinh sát và anh em bên Đội 4A – Chi cục Quản lý thị trường cũng miệt mài nhiều tháng trời”, một trinh sát kể.

Cho tới cuối tháng 10-2017 vừa rồi, lực lượng phối hợp quyết định phá án bằng việc đột xuất kiểm tra tại nhiều điểm nghi vấn, thu được số lượng lớn sản phẩm rượu Men Vodka của Công ty CP Rượu bia nước giải khát AROMA (Hưng Yên) đã đăng ký độc quyền. Cụ thể tại Công ty TNHH TM HAVA (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), lực lượng phối hợp phát hiện vi phạm nhãn hiệu rượu (nghi tem giả) gần 32.000 chai rượu Vodka HAVA các loại, rượu Vodka Hà Nội và rượu Napoleon Brandy; gần 30.700 chai rượu nếp Gò Đen hương Vodka, rượu Bông lúa vàng nếp mới, rượu chuối hột, rượu Rum dâu Hà Nội, rượu Chuối hột, rượu nếp Hà Nội Bông Lúa Vàng, rượu Nhân Sâm Bìm Bịp vi phạm nhãn tem công ty (không có dán tem theo quy định).

Tại Công ty TNHH TM SPT (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), lực lượng phối hợp thu được gần 4.800 chai rượu Rum xoài, rượu Rum coca, rượu Rum dừa, rượu Rum dưa Cocktail rượu Whisky XO, rượu Whisky Golden...

Tại một địa chỉ trên phường Tân Quý, quận Tân Phú, tổ công tác liên ngành thu thêm 4.700 chai rượu Champange Sparking Wine, rượu nếp Hà Nội Bông Lúa Vàng, rượu chuối hột, rượu Rum Maxime. Tất cả số lượng rượu trên vi phạm nhãn hiệu rượu (dán tem giả), không có đăng ký công bố chất lượng sản phẩm…

Một báo cáo gần đây của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho hay, gần một nửa số bao cao su đang bán trên thị trường Việt Nam là hàng giả, có chất lượng kém, chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết gần cuối tháng 8-2017, Đội 7 đã bất ngờ kiểm tra nơi ở của đối tượng Nguyễn Đức Trường (30 tuổi, ngụ phòng 3.14, Lô D, Chung cư Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 khi đối tượng này đang có hành vi kinh doanh bao cao su, gel bôi trơn giả.

“Bất kỳ một loại bao cao su chính hãng nào cũng có thể được làm giả, những loại này do không được xử lý vô trùng, khi sử dụng gel bôi trơn này tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng, có thể gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và có nguy cơ vô sinh”, UNFPA khuyến cáo.

Binh Huyền
.
.
.