Quyết liệt “cuộc chiến” với “công nghiệp đen”

Mở doanh nghiệp để… làm hàng giả (!)

Thứ Bảy, 25/11/2017, 10:22
Không phải ngẫu nhiên mà từ cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 29-11 hàng năm là “Ngày phòng chống chống hàng giả, hàng nhái”. Đó là do thời điểm vào dịp cuối năm, nhất là tháng cận Tết cổ truyền, thị trường hàng hóa trở nên sôi động hơn bao giờ hết và các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái bắt đầu tung hàng ra.

Công việc chuẩn bị của giới làm ăn bất chính này được tiến hành từ trước đó vài ba tháng với đủ mánh khóe. “Cuộc chiến” với nạn hàng giả, hàng nhái - sản phẩm của  “công nghiệp đen”, ngày càng cam go và quyết liệt.

Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi kể hai bị cáo trong vụ án làm giả sản phẩm của công ty ông là chủ doanh nghiệp (DN) - Công ty TNHH SX-TM Hoàng Minh Đức. 

Theo Thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, gần cuối 2014, Nguyễn Văn Sinh và vợ là Nguyễn Thị Huệ lập Công ty TNHH SX-TM Hoàng Minh Đức, đặt trụ sở tại nhà (ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). 

Dù biết sản phẩm của Công ty Duy Lợi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và là sản phẩm được độc quyền bảo hộ tại Việt Nam nhưng Sinh - Huệ vẫn thực hiện ý định sản xuất võng xếp giả nhãn hiệu của doanh nhân Lâm Tấn Lợi. 

Để có các phụ kiện tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh giống như hàng thật, Sinh – Huệ đặt Công ty Chuan Lin (trụ sở tại KCN Lê Minh Xuân, TP Hồ Chí Minh) gia công lưới võng; khung võng đặt làm tại cơ sở cơ khí Nguyễn Đăng Phú (đường số 5, Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), tem võng đặt mua trên mạng. 

“Chúng tôi được ông Lâm Tấn Lợi cho phép mới dám làm chứ”, vợ chồng Sinh – Huệ thường trả lời như thế với tất cả những ai thắc mắc. Sau khi cho “ra lò” hàng loạt sản phẩm giả, vợ chồng này đã dùng xe tải để chuyển hàng đi giao cho khách hàng…  

Tang vật của một vụ sản xuất nước hoa giả “hàng hiệu”.

Khi giải thích nguyên nhân ngày càng có nhiều đối tượng dùng “chiêu” lập DN để sản xuất hàng giả, hàng nhái, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế nhắc lại trường hợp của vợ chồng Sinh - Huệ, cho biết: “Khi mới lập DN, cũng sản xuất hàng thật đàng hoàng. Tuy nhiên, sản phẩm võng xếp Duy Anh của DN này không đăng ký nhãn hiệu, thị trường chưa biết đến nên việc tiêu thụ rất chậm. Chính đây là nguyên nhân khiến họ chuyển sang làm ăn bất chính và xem đây là cách để cứu vãn tình hình, để công ty không bị thua lỗ, phá sản, nợ nần”.

Theo lãnh đạo Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế, việc sản xuất hàng giả tại các DN, cơ sở sẽ dễ dàng che mắt được nhiều người vì trước đó, DN, cơ sở được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp phép. 

Mặt khác, mặt hàng mà các đối tượng tổ chức sản xuất làm giả lại cũng là mặt hàng đang được phép sản xuất nên ít ai nghĩ đó là hàng giả. Chỉ có thông qua kiểm tra, giám định của cơ quan chuyên môn thì mới có thể kết luận được. 

Trong khi đó, việc kiểm tra, giám định chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nghi vấn sản phẩm của những DN, cơ sở này là hàng giả. Hôm đến kho chứa tang vật hàng giả, hàng nhái của Phòng Cảnh sát kinh tế, quả thật nhìn vào đống tang vật gắn với nhiều thương hiệu quen thuộc, nổi tiếng trên thị trường chúng tôi không thể nghĩ đó là sản phẩm giả do tất cả đều được sản xuất quá chuyên nghiệp, mẫu mã bên ngoài sắc sảo và hầu hết được sản xuất bởi các DN làm ăn bất chính. 

Nhiều chủ DN khi đối diện với những giả sản phẩm làm giả như thế này cũng không thể phân biệt sự khác biệt giữa sản phẩm giả, nhái với sản phẩm do DN mình làm ra.

Chỉ vào đống ống nhựa giả hiệu Bình Minh đang chiếm khá nhiều diện tích trong kho tang vật, một trinh sát cho biết đó là tang vật của vụ sản xuất hàng giả do một doanh nghiệp thực hiện. Vụ án này từng gây tốn khá nhiều công sức đang sắp kết thúc điều tra. 

Sản phẩm giả nhãn hiệu của Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi.

Từng tham gia triệt phá vụ sản xuất hàng giả quy mô trên 2 tỷ đồng này, một trinh sát nhớ lại: “Ban đầu chúng tôi chỉ phát hiện xe tải chở hàng trăm ống nhựa ghi hiệu Bình Minh rời khỏi kho và xưởng in trên đường liên ấp ở huyện Bình Chánh. Tài xế xe tải khai nhận chở thuê cho Công ty TNHH SX-TM-DV kỹ thuật nhựa Minh Hiếu (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Khi chúng tôi khẩn trương có mặt tại phân xưởng in thì phát hiện thêm hàng chục ngàn ống nhựa giả hiệu Bình Minh; nhiều công nhân đang vận hành máy in phun đời mới trị giá khoảng 20.000 USD đang phun chữ lên bề mặt các ống nhựa để giả hiệu Bình Minh. Nhiều sản phẩm giả còn chưa ráo mực...”.

Kết quả khám xét hành chính tại xưởng in này, các trinh sát thu giữ gần 6.600 ống nước nhựa giả hiệu Bình Minh và ống nhựa không có nhãn hiệu, 2 máy in phun đời mới nhất dùng để in nhãn hiệu Bình Minh lên ống nước. Các công nhân cho biết mỗi họ cho “ra lò” hàng trăm ống nhựa các loại, sau đó được “ông chủ” tung ra thị trường bán với giá ngang bằng với ống nhựa Bình Minh thật. 

Thực hiện khám xét mở rộng tại DN này, Công an thu thêm gần 20.000 ống nhựa nhãn hiệu Bình Minh. Mở rộng khám xét tại Công ty TNHH TM-DV Sáu Ẩn (phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh), các trinh sát phát hiện thu giữ hàng trăm ống nhựa các loại, trên thân ống nước in nhãn hiệu Bình Minh.

Cho tôi xem danh sách hàng mấy chục DN liên quan hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái bị đơn vị phát hiện, xử lý trong 2 năm vừa qua, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết thủ đoạn mà giới làm giả thuốc tây, thực phẩm chức năng hay sử dụng đó mở công ty sản xuất thực phẩm chức năng định làm giả sản phẩm, sau đó chúng thuê gia công thuốc giả bán thành phẩm (như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác). Khi thấy thị trường có nhu cầu mạnh về thuốc, thực phẩm chức năng này thì đối tượng lập tức dán nhãn mác giả rồi ráo riết tung ra thị trường. Tất nhiên, sản phẩm giả do đối tượng bán ra đều không được kiểm định, công bố chất lượng của bất kỳ cơ quan chức năng nào.
Binh Huyền
.
.
.