Giá thịt lợn tăng chóng mặt: Bình ổn thị trường bằng cách nào?

Thứ Hai, 30/12/2019, 08:50
Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chỉ còn gần 1 tháng, dự báo nhu cầu thịt lợn sẽ tăng mạnh vào dịp cận Tết, trong khi nguồn cung đang trong tình trạng thiếu hụt, giá thành liên tục tăng mạnh và neo ở mức cao trong thời gian qua.


Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê- Bộ KH&ĐT) cho biết, giá thịt lợn khiến CPI tháng 12 tăng 1,05%. Giá thịt lợn từ tháng 10 tăng cao, tháng 10 tăng 7,85%, tháng 11 18,51%, tháng 12 là 19,7%.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thẳng thắn đặt câu hỏi, “Ngành nông nghiệp vẫn nói giá lợn hơi chỉ 40 – 42.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi. Vậy tại sao doanh nghiệp chăn nuôi lại đẩy giá lên 90 – 93.000 đồng/kg như hiện nay? Rõ ràng ở đây có thể có tình trạng một số doanh nghiệp găm hàng, bán ra cầm chừng. Cho nên phải kiểm tra xem việc đó có hay không? Nếu có phải xử lý để giảm giá thành?”.

Nên có cơ chế miễn, hoặc giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng thịt lợn dịp cao điểm để tạo sức cạnh tranh. (Ảnh: Trần Việt)

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho hay, tổng đàn heo đưa ra thị trường cung cấp cho toàn miền Nam giảm khoảng 50% so với đầu năm 2019. Giá thịt lợn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tháng 12 đã tăng gấp gần 3 lần so với tháng 3. Hiện giá thịt lợn hơi Công ty C.P công bố là 83.000 đồng/kg, nhưng thực tế không mua được mà chỉ mua được với giá 90 – 93.000 đồng/kg. Hiện nay, nguồn cung đáp ứng được song từ 23 tháng Chạp đến hết Tết, nhu cầu thịt heo sẽ tăng gần gấp đôi, tính chung 7 ngày Tết cần đến hơn 100.000 tấn thịt heo.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, thịt lợn chắc chắn sẽ thiếu trong dịp lễ Tết, bởi nguồn cung vẫn thiếu, lượng tái đàn còn ít và chưa thể bù đắp ngay được sự thiếu hụt.

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối bình ổn giá cả mặt hàng này. Tại TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng thay đổi thói quen theo hướng sử dụng thêm các nguồn thực phẩm thay thế hoặc nguồn thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh. Bên cạnh đó, tăng cường nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.

Theo đó, đến nay TP Hồ Chí Minh đã nhập khẩu hơn 13.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 100% so với năm 2018. Phía doanh nghiệp cũng cam kết nhập khẩu thêm mặt hàng này. Song nếu giữ nguyên giá nhập khẩu thịt, cộng với thuế và chi phí đưa ra thị trường sẽ khiến giá thịt nhập khẩu (đông lạnh) cao tương đương với thịt nóng và người tiêu dùng sẽ khó chọn mua. Do đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề xuất nên có cơ chế miễn, hoặc giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng thịt lợn dịp cao điểm để tạo sức cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thịt lợn là mặt hàng chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân nên lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành rất quan tâm. Do vậy, tất cả phải chung tay, đồng bộ từ cơ quan, Bộ ngành cho đến doanh nghiệp để cùng đưa ra các biện pháp bền vững và căn cơ nhất như tái đàn, nhập khẩu thịt lợn đông lạnh... 

Phía Bộ Công Thương cũng yêu cầu Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp tìm kiếm nguồn hàng hợp lý, giá rẻ để giới thiệu cho doanh nghiệp trong nước nhập khẩu. 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã giao từ nay đến hết quý I-2020, Bộ NN&PTNT phải phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn. Đồng thời giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế để đảm bảo giá cả sản phẩm nhập khẩu, không chỉ trong dịp Tết mà còn sau Tết.

Phan Đức
.
.
.