Người dân, doanh nghiệp cùng chia sẻ với Nhà nước để bình ổn giá thịt lợn

Chủ Nhật, 22/12/2019, 06:16
“Phi mã”, mỗi ngày một giá là thực trạng giá thịt lợn trên thị trường những ngày gần đây. Giá lợn tăng kéo theo giá cả nhiều mặt hàng cũng tăng, kéo theo áp lực lên công việc điều hành giá. Ngành giá sẽ phải làm gì để bình ổn giá thịt lợn cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu?


PV chuyên mục Trò chuyện chủ nhật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.

 P.V: Thưa ông, hàng năm cứ đến dịp cuối năm, áp lực giá cả lên hàng hóa cũng như câu chuyện bình ổn giá lại đặt ra. Vậy năm nay, ngành Giá đang gặp phải khó khăn, thách thức gì?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Gần như đã thành quy luật, cuối năm thị trường thường diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Các mặt hàng thiết yếu có xu hướng cầu cao hơn cung, tập trung vào thực phẩm, tiêu dùng, dệt may, giày dép… Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các địa phương, tỉnh, thành phố rà soát đánh giá lại cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, từ đó điều hòa cung cầu. Thách thức nhất vẫn là sự thiếu hụt cục bộ một số mặt hàng thiết yếu nào đó, nên cần phải có sự đánh giá thật chi tiết, chuẩn xác để có biện pháp điều hành thích hợp.

Với riêng Bộ Tài chính, nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngày 17-12, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có Chỉ thị số 03 yêu cầu: Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung công việc cụ thể.

P.V: Vậy với riêng mặt hàng thịt lợn đang khan hiếm trong năm nay thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Năm nay, mặt hàng thực phẩm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thịt lợn đang tăng mạnh. Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, do có sự thiếu hụt nguồn cung của thịt lợn ra thị trường nên giá cả có xu hướng tăng cao, đặc biệt là theo truyền thống của người Việt, Tết phải gói bánh chưng, làm giò chả… nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn càng cao. Trong bối cảnh đó, việc thiếu nguồn hàng thịt lợn có ảnh hưởng rất lớn đến giá cả. 

Số liệu theo dõi của Cục Quản lý giá cho thấy trong năm, giá thịt lợn cũng có nhiều thay đổi, song biến động lớn bắt đầu từ tháng 9. Cụ thể, nếu như từ tháng 3, giá thịt lợn hơi tại thị trường miền Bắc vào khoảng 37-44 nghìn/kg, thì đến tháng 9, giá đã lên mức từ 47-50 nghìn đồng/kg. Sang tháng 11, mức giá thịt lợn hơi là 60-78 nghìn đồng/kg. Sang tháng 12, đặc biệt là từ giữa tháng tới nay, giá thịt lợn mỗi ngày một thay đổi theo chiều hướng tăng mạnh. Số liệu chúng tôi cập nhật đến này 19-12, có địa phương giá thịt lợn hơi đã lên đến 92-95 nghìn đồng/kg. Với mức giá lợn hơi cao ngất ngưởng này, giá bán lẻ thịt lợn đã vượt thịt bò là điều tất yếu.

P.V: Nếu cứ đà này, giá lợn hơi sẽ sớm vượt mốc 100 nghìn đồng/kg và sẽ chưa dừng lại. Vậy Cục Quản lý giá tính toán liệu đến Tết sẽ tăng thêm bao nhiêu?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Cái này phụ thuộc vào cung cầu. Cung cầu sẽ quyết định thị trường. Cần có sự tính toán, phân tích số liệu cụ thể từ Bộ NN&PTNT thì chúng tôi mới có kịch bản dự tính được.

P.V: Thịt lợn khan hàng, mà nhu cầu lại tăng cao theo mùa vụ đẩy giá lên cao, vậy ông có lo ngại việc trà trộn thịt lợn kém chất lượng?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong bối cảnh thiếu nguồn cung, chắc chắn sẽ có nhiều mánh khóe kinh doanh xuất hiện, đưa thịt không an toàn ra thị trường. Chúng tôi kiến nghị lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an và các lực lượng chức năng tại địa bàn quản lý chặt chẽ nguồn cung ra thị trường, để mặc dù thịt lợn tăng cao nhưng người dân sẽ không phải tiêu dùng thịt kém chất lượng.

P.V: Vậy nếu có phát hiện vi phạm về giá cũng như về chất lượng, sẽ phải xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc xử lý sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật, do lực lượng chức năng thực hiện. Bộ Tài chính quản lý danh mục mặt hàng bình ổn, quản lý hành chính nhà nước, tham mưu vĩ mô cho Chính phủ và địa phương, các bộ chuyên ngành đánh giá để kiểm soát tình hình cung cầu để điều tiết, từ đó có giải pháp bình ổn.

P.V: Nhưng để bình ổn thì quan trọng là phải cân đối được cung cầu. Nếu cung hụt, thì cầu cũng cần giảm bớt?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Với tư cách là 1 người tiêu dùng, theo tôi người dân cũng nên sử dụng thực phẩm thay thế thịt lợn trong bối cảnh có sự làm giá và thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Việc thay thế bằng các thực phẩm khác như gà, bò, cá, hải sản... không chỉ giúp giảm áp lực thị trường mà còn tránh sự rủi ro về giá và chất lượng cho chính bản thân người tiêu dùng. Đây cũng là sự chia sẻ của mỗi người dân, mỗi gia đình với Chính phủ, Bộ, ngành góp phần điều tiết giá cả thị trường.

P.V: Ngoài thịt lợn đang là mặt hàng đặc biệt căng thẳng của năm nay, vì cuối năm, việc quản lý nhiều mặt hàng khác đối mặt với những áp lực nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Từ nay đến cuối năm, nhiều mặt hàng sẽ chịu áp lực tăng giá. Ví dụ xăng dầu rất khó lường do phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới nên phải theo dõi sát diễn biến để có biện pháp bình ổn giá, tạo ra mặt bằng thị trường bình ổn, không để người dân chịu tác động nhiều từ giá xăng dầu, cước vận tải. Thứ 2 là thực phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng, dịch vụ ăn uống… tăng theo quy luật.

Tất nhiên, bên cạnh những áp lực, cũng có nhiều thuận lợi vì hiện nay, các bộ, ngành theo dõi sát sao, tích cực về giá cả để điều tiết. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế tốt, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng cao do năng lực sản xuất ngày càng cao, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại của Chính phủ đã giúp cho người dân có cơ hội mua các sản phẩm giá rẻ hơn. 

Bên cạnh đó, nguồn cung gạo tương đối dồi dào, hay chính sách tiền tệ điều hành ổn định, nhiều biện pháp vĩ mô kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Đặc biệt, quan trọng hơn nữa là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với tư cách Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá đã giúp cho mặt bằng giá cả cũng bớt áp lực. Song, tôi cũng muốn nhấn mạnh vai trò chủ động của các địa phương. Nếu lãnh đạo UBND các tỉnh sát sao hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác bình ổn giá thì hiệu quả mới cao.

P.V: Ông có thể nêu những giải pháp cụ thể hơn từ ngành Tài chính?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tại Chỉ thị 03, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát. 

Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. 

Riêng với thịt lợn, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá và có những kiến nghị gửi các ngành như Nông nghiệp, Công Thương để có đánh giá lượng cung cầu dài hạn, ngắn hạn, có số liệu tính toán cụ thể để cân đối lượng thịt lợn nhập về đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bộ Tài chính và các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tình trạng đầu cơ khan hàng, lợi dụng khan hiếm để tăng giá, đẩy giá.

Điểm quan trọng là kiến nghị các UBND tỉnh thực hiện chương trình bình ổn giá, tạo nguồn tài chính để hỗ trợ, phòng chống dịch tả, qua đó đánh giá, hỗ trợ kịp thời cho các hộ có thiệt hại vì dịch tả để tái đàn, bù vào nguồn cung thiếu hụt. Tiếp nữa là tuyên truyền để người dân nắm được tình hình dịch bệnh, yên tâm sử dụng sản phẩm, tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Đồng thời kiến nghị Nhà nước và hộ chăn nuôi cùng chia sẻ rủi ro: Nhà nước hỗ trợ kinh phí, địa phương theo chương trình bình ổn giá, hỗ trợ cho DN vay tạo nguồn cung thịt lợn cung ứng ra thị trường.

P.V: Là người trực tiếp làm việc trong ngành Quản lý giá từ nhiều năm nay, ông có thấy áp lực năm nay lớn hơn so với các năm trước?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực ra, những năm trước, khi xảy ra cúm gia cầm, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành chức năng cũng đã đương đầu với thách thức và vượt qua. Người dân cũng đã có những ứng phó linh hoạt hơn. Tuy nhiên, để có cái Tết phù hợp với phong tục cổ truyền, các ban, ngành cũng sẽ có biện pháp điều hòa để người dân không chịu ảnh hưởng quá nhiều, từ đó cùng sát cánh với Chính phủ vượt qua thiên tai địch họa. Đây là vấn đề không lường được, nó là bất khả kháng và mong có sự chia sẻ của người dân, Nhà nước và đặc biệt là doanh nghiệp để bình ổn thị trường.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hà An (thực hiện)
.
.
.