Giá củ cải, su hào sẽ ổn định tăng trở lại sau khoảng 10 ngày nữa

Thứ Sáu, 16/03/2018, 15:25
 Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) khẳng định, lượng tồn này đang ở mức thấp và tình trạng sản lượng ế thừa nghiêm trọng, phải chặt bỏ không xảy ra trên diện rộng mà chỉ xảy ra cục bộ ở Hà Nội và Hải Dương, với 2 loại rau là củ cải trắng và su hào. Nhưng thời điểm đầu năm, nông dân thu cả tiền tỷ từ củ cải.


Trồng theo hợp đồng bao tiêu sẽ tránh được rủi ro

Theo thống kê từ các tỉnh có nhiều vùng rau chuyên canh thì diện tích rau cuối vụ đông và lứa đầu vụ xuân hiện nay nhiều nhất ở Hà Nội còn 1.150 ha, Hải Dương còn hơn 100 ha, các tỉnh khác còn 10 - 15 ha.  

“Qua khảo sát thực tế tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội), người dân có khoảng 90 ha trồng chuyên củ cải. Mỗi năm trồng 5 lứa trong 8 tháng khi thời tiết thuận lợi, cho thu nhập rất cao. Củ cải giống Hàn Quốc, Nhật Bản năng suất đạt khoảng 80 tấn/ha. Có những thời điểm người nông dân bán rất được giá, như  đầu năm, giá bán trung bình từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi héc ta cho doanh thu 500 triệu đồng cho một lứa thu hoạch. Hộ nào thắng liên tục, doanh thu có thể lên tới hàng tỉ đồng”, ông Sơn cho biết. 

Ở xã Tráng Việt, phần lớn diện tích đã có hợp đồng bao tiêu nhưng vẫn còn nhiều hộ không có hợp đồng bao tiêu. Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán 2018, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp chưa hoạt động nhiều nên tốc độ tiêu thụ củ cải còn chậm. 

Một nguyên nhân nữa khiến nông dân không bán được là do thời tiết thuận lợi, củ cải phát triển nhanh, cây cải bị trổ hoa sớm nên bên trong bị xốp, bẻ ra dễ dàng, không bán được. Ông Sơn cũng thông tin, tại xã Tráng Việt, có tình trạng nông dân phải nhổ bỏ củ cải trên diện tích khoảng 10 ha trồng loại củ này.

Không chỉ củ cải của nông dân Mê Linh, su hào ở tỉnh Hải Dương cũng có tình trạng bị nhổ bỏ như củ cải, do thời điểm thu hoạch trùng với thu hoạch vét các loại rau khác và có một số rau vụ xuân, dẫn tới bán chậm. 

Bên cạnh đó, nông dân chần chừ chờ giá cao, su hào bị già không bán được. Phần lớn diện tích su hào bị nhổ bỏ là quá lứa, bị xơ xốp hết bên trong. Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, từ chiều ngày 15-3, giá su sào giá bắt đầu tăng trở lại, từ 1.000 - 1.200 đồng/củ. 

Theo tính toán của nông dân Hải Dương, 1 sào su hào trừ chi phí thuốc, phân, giống hết khoảng 1 triệu đồng, nếu trồng 2.000 cây, giá bán 1.000 - 1.500 đồng/củ, thì vẫn có lãi. Dự báo, trong 7 - 10 ngày tới, giá su hào, củ cải sẽ ổn định trở lại.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt trao đổi với báo chí sáng ngày 16-3

Trước mắt, Cục Trồng trọt đang chủ trì phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật cùng các địa phương tổng rà soát lại cơ cấu diện tích hiện nay còn trên đồng ruộng, cũng như cân đối về cung cầu để chúng ta có những khuyến cáo và hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. 

Các loại rau ôn đới như su hào, bắp cải sẽ không kéo dài được nữa vì thời tiết nóng lên chất lượng sẽ giảm cho nên bản thân tự các địa phương đã có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, thông qua rà soát nếu thấy có hiện tượng nông dân vẫn lạm dụng và trồng nhiều loại rau này, Cục Trồng trọt sẽ có những cảnh báo đối với các địa phương để hướng dẫn nông dân điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. 

“Điều quan trọng nhất hiện nay là việc liên kết, ký hợp đồng bao tiêu. Đi khảo sát tại xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, khi được hỏi, nông dân nói rằng chúng tôi không cần phải giải cứu rau, quả và cũng không có ý kiến gì về vấn đề rau giảm giá vì chúng tôi đã tìm được những liên kết ổn định. Hay tại vùng Tráng Việt, rất nhiều hộ nông dân nói là chúng tôi không ảnh hưởng gì vì tất cả rủi ro thì chủ thương lái đã trả tiền trước cho chúng tôi rồi”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay. 

Câu chuyện đặt ra là, nếu nông dân có hợp đồng tiêu thụ trước, ổn định thì sẽ tránh được tất cả những rủi ro này. Đặt hàng lúc đó là của thương lái, bao giờ thương lái cũng quan sát và cân đối thị trường tốt hơn nông dân làm nhỏ lẻ.

Nhiều doanh nghiệp vào cuộc giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Cũng trong sáng 16-3, UBND huyện Mê Linh cũng đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp tiêu thụ củ cải cho nông dân. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, “ngoài chợ, giá củ cải bán 3.000 đồng/kg, nếu siêu thị 8.000 đồng/kg vì doanh nghiệp mua 6.000 đồng/kg nên rất khó tiêu thụ với sản lượng nhiều. 

Các đơn vị hỗ trợ hợp tác xã về tiền vận chuyển để đơn vị này bán cho siêu thị với giá tại đồng ruộng để bán như giá ở chợ mới tiêu thụ được. Hợp tác xã nên thống nhất một giá bán ra để không có sự chênh lệch trong 15 ngày tới”, bà Hậu đề nghị. “Tiêu thụ thêm nhiều sản phẩm cho nông dân, nhưng có thời điểm doanh nghiệp cần nhiều loại rau khác nhau thì thôn Đông Cao lại chỉ trồng được một loại là củ cải. Vì vậy, để hạn chế tình trạng dồn ứ, hợp tác xã cần khuyến khích người dân phải đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng với nhu cầu của siêu thị, chứ không nên chỉ trồng một loại củ cải như hiện nay”.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc siêu thị Big C Garden cũng khẳng định, trong tuần tới, Big C có thể tiêu thụ 10-15 tấn củ cải giúp nông dân, về lâu dài siêu thị sẽ có những ký kết hợp đồng với hợp tác xã để lượng tiêu thụ thường xuyên hơn.

Củ cải bị nhổ bỏ đa số do "quá lứa nhỡ thì"

Còn theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trước mắt, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt trên hệ thống phân phối của TP để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn cho người dân trong thời gian tới, các siêu thị nên bố trí các điểm bán hàng ngoài sảnh, cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ công tác truyền thông để mua sản phẩm. 

Ngoài ra, Sở Công thương sẽ làm văn bản gửi đến các cơ quan đoàn thể để giúp nông dân bán với giá ổn định, tiêu thụ toàn bộ số lượng đang còn ứ đọng. Bà Lan cho biết, Sở Công thương đã liên hệ được với 2 nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội và bánh mứt kẹo Tràng An, hỗ trợ cho người dân sấy khô không lấy công. 

Tuy nhiên, nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội chỉ được khoảng 2 tấn/ngày, Tràng An từ 10 đến 20 tấn/ngày, hợp tác xã cân đối lượng hàng bán tươi, còn lại bao nhiêu thì sấy khô để bán tiếp theo, không để tình trạng người dân nhổ bỏ củ cải vứt ra ngoài đồng, gây lãng phí. 


Ngọc Yến
.
.
.