Để tránh bị điều tra phòng vệ thương mại khi xuất khẩu vào EU

Thứ Năm, 06/08/2020, 08:25
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên thế giới và tại Việt Nam dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã cứu cánh cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để được hưởng các lợi thế từ Hiệp định EVFTA, cũng như tránh bị đối tác kiện ngược trở lại, các DN cần chú ý đến các rào cản thương mại để có cách ứng phó, xử lý phù hợp...

Theo Bộ Công Thương, EU là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trao đổi thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 9% (từ năm 2015). EU là thị trường xuất khẩu (XK) đứng thứ hai của Việt Nam với kim ngạch XK tăng 14,8 lần từ 2,8 tỷ USD năm 2000 lên 41,54 tỷ USD năm 2019. Việt Nam  là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore tại khu vực Đông Nam Á) và Việt Nam XK vào EU là XK vào thị trường gần 500 triệu dân.

Với Hiệp định EVFTA, EU và Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan cho gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình từ 7-10 năm, một số ít các dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%; hai bên cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ và đầu tư như tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, logistics...; đặc biệt các bên cũng cam kết cả trong những lĩnh vực mới như mua sắm Chính phủ, thương mại và phát triển bền vững... Những cam kết trên sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa XK, đặc biệt là các sản phẩm hai bên có thế mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế, hàng hóa XK của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn trong việc thâm nhập vào thị trường EU. Tuy nhiên, khi hàng hóa của Việt Nam NK mạnh vào thị trường EU, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, EU sẽ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, và chống lẩn tránh. Bà Phạm Hương Giang - Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ - Cục PVTM (Bộ Công Thương) lưu ý, các DNXK Việt Nam cần chú ý để nhận diện các biện pháp PVTM trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực và thực thi EVFTA.

Đồ gỗ, một trong những sản phẩm xuất khẩu chính sang EU, đối mặt với thách thức phòng vệ thương mại khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo đó, với biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, các biện pháp này sẽ được đối tác sử dụng khi phát hiện có hành vi phá giá, và trợ cấp đối với hàng NK, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Còn với biện pháp tự vệ, sẽ được đối tác áp dụng khi nhận thấy số lượng hàng NK gia tăng đột biến.

Liên quan đến hàng XK Việt Nam bị đối tác áp dụng các biện pháp PVTM, bà Phạm Hương Giang cho biết, số vụ hàng XK Việt Nam bị đối tác áp dụng các biện pháp PVTM tương đối nhiều, và ngày càng gia tăng. Trong đó, đa số vụ việc chống bán phá giá và chống lẩn tránh.

Các nước điều tra hàng XK của Việt Nam thì bên cạnh những nước phát triển có kinh nghiệm điều tra PVTM như Hoa Kỳ, Úc, còn có một số nước ASEAN và các nước đang phát triển. Trong đó, EU cũng điều tra hàng XK của Việt Nam tương đối nhiều.

Đối với mặt hàng bị điều tra PVTM, không chỉ những mặt hàng Việt Nam có kim ngạch XK cao, mà còn có những mặt hàng kim ngạch thấp và sản phẩm điều tra cũng rất đa dạng. Riêng EU, có 14 vụ bị điều tra PVTM chủ yếu các biện pháp chống bán phá giá, chống lẩn tránh. Tuy nhiên, rất may là đa số các vụ việc EU điều tra PVTM đã hết hiệu lực áp dụng, chỉ còn vụ việc liên quan sản phẩm thép đang áp dụng.

Theo Cục PVTM, tính đến nay có 159 vụ bị điều tra PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là Hoa Kỳ (29 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ), Ấn Độ (19 vụ), EU (14 vụ), Úc, Canada (12 vụ), Indonesia (9 vụ), Philippines (8 vụ), Malaysia, Thái Lan, Brazil (7 vụ)... Các mặt hàng cảnh báo nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM trong quý I-2020 gồm 10 mặt hàng, chủ yếu XK vào Hoa Kỳ. Trong đó, có mặt hàng xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách XK vào Hoa Kỳ và EU nằm trong diện cảnh báo bị điều tra PVTM.

Theo đại diện Cục PVTM, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng XK của Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức trong các biện pháp PVTM, đặc biệt EU là đối tác rất có kinh nghiệm trong điều tra PVTM đối với hàng XK Việt Nam. Thách thức đầu tiên, “đối tượng” nằm trong diện có nguy cơ điều tra PVTM đó là những sản phẩm Việt Nam XK chính sang EU như: dệt may, giày dép, thủy hải sản, đồ gỗ, máy vi tính, điện thoại...

Ngoài ra, thách thức nữa, đó là trong bối cảnh các nước đang tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ trong nước thì EU có thể tăng cường điều tra đối với các nước khác, như vậy có khả năng EU tăng cường điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa Việt Nam. Trong khi đó, DN Việt Nam còn hạn chế trong việc kháng kiện cũng như chưa phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, Cục PVTM đã đưa ra những giải pháp nhằm ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, xây dựng các đề án để nâng cao năng lực PVTM cho DN như: Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác PVTM trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới; Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc PVTM; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.

Ngoài ra, Cục PVTM cũng tổ chức có các chương trình phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho DN, cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao các biện pháp chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp... Đồng thời, cập nhật để ban hành danh sách cảnh báo những nguy cơ bị điều tra PVTM, trong đó có những mặt hàng có khả năng điều tra đến từ EU.

Thúy Hà
.
.
.