Cơ hội, thách thức của doanh nghiệp khi tiếp cận Hiệp định EVFTA

Thứ Năm, 18/06/2020, 06:15
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 8-2020. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, EVFTA là Hiệp định có mức cam kết cao nhất của đối tác dành cho Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Vậy phía doanh nghiệp (DN) nhìn nhận Hiệp định EVFTA thế nào?


Theo đánh giá của ông Lương Đăng Sơn - Giám đốc điều hành Công ty CP Cung ứng thực phẩm sạch Saigon (Sago food): “Đây là một Hiệp định thương mại tự do có lợi cho DN Việt, đặc biệt là DN sản xuất thực phẩm”. Là DN chuyên sản xuất sản phẩm sữa, cung cấp chủ yếu ở thị trường trong nước và chỉ mới xuất khẩu (XK) sang một số nước Đông Nam Á, ông Sơn cho biết sẽ tìm hiểu thêm để tiếp cận thị trường EU.

“Tôi mong muốn cơ quan quản lý về thực phẩm làm chặt chẽ hơn trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để đảm bảo niềm tin không chỉ cho người tiêu dùng (NTD) Việt, mà còn cho NTD ở EU, để hàng hóa của DN Việt dễ dàng tiếp cận thị trường này”, ông Sơn chia sẻ.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành Nông nghiệp hưởng lợi đầu tiên.

Kinh doanh sản phẩm gạo với thương hiệu Cỏ May, ông Đinh Minh Tâm - Phó Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May nêu quan điểm: “Với VEFTA, tôi nghĩ đây cũng là điểm sáng cho hàng hóa Việt. Với thuế suất của Hiệp định VEFTA mang lại cơ hội cho hàng nông sản, trong đó có gạo cao cấp để đi vào thị trường này. Tuy nhiên, khi xuất khẩu vào thị trường EU, thì rõ ràng về điều kiện hàng rào kỹ thuật, những tiêu chuẩn, muốn đạt được không dễ. Chúng ta phải hoạt động có kiểm soát, có vùng nguyên liệu riêng, sản phẩm tương đồng... thì mới mong đạt yêu cầu. Nếu DN chuẩn bị tốt những điều này thì mới có cơ hội XK được vào thị trường EU”.

Với hệ thống máy móc công nghệ hiện đại châu Âu, có vùng nguyên liệu cao cấp, ông Tâm cho biết, công ty đã cung ứng sản phẩm gạo cao cấp cho thị trường trong nước và XK đạt kết quả rất khả quan.

Đối với XK của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu (NK) vào EU (tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ tiếp tục xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế NK (tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam). 0,3% kim ngạch XK còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế NK trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ xóa bỏ thuế NK sau một lộ trình ngắn (7 năm).

Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, đối với hàng XK của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch NK). Tiếp đó, sau 7 năm sẽ xóa bỏ 91,8% số dòng thuế (tương đương 97,1% kim ngạch XK).

Sau 10 năm, xóa bỏ 8,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch NK). 1,7 số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế NK dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

 Nhìn nhận về Hiệp định EVFTA, ông Lê Đức Duy, Phó Tổng Giám đốc điều hành công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin, lạc quan: “Hiện nay, sản phẩm của công ty Việt Sin đang tăng trưởng mạnh ở kênh siêu thị (chiếm 70%), trong đó có các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như BigC, Aone, Lotte, Metro. Khi DN đưa sản phẩm vào được các hệ thống siêu thị ngoại này, thì sản phẩm của DN cũng đã đạt được các tiêu chuẩn của nước ngoài rồi. Ngoài ra, định kỳ hàng năm họ cũng tổ chức đánh giá lại các nhà cung cấp, khi nào DN đạt chuẩn thì họ mới chứng nhận mình là nhà cung cấp trong hệ thống của họ”.

Nói về hàng của EU sẽ tràn vào Việt Nam với giá rẻ khi VEFTA có hiệu lực, DN có lo ngại không? Ông Duy cho rằng, sản phảm của công ty là thức ăn nhanh, tiện lợi, đã có thương hiệu, có các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm, và sản phẩm đã có trong tiềm thức của NTD, nhất là giới trẻ. Hiện sản phẩm của Việt Sin đang bán nhiều trong các quán trà sữa, quán ăn vặt, căng tin các trường tiểu học, thức ăn đường phố... nên đã có thị phần riêng, khách hàng riêng, không phải cạnh tranh trực diện với các sản phẩm nhập từ EU.

Theo đánh giá của nhiều DN, Hiệp định EVFTA là cơ hội, thuận lợi cho các DN XK, bởi lúc đó khi các DN XK vào thị trường EU thì các rào cản đã được giảm bớt. Hoặc những DN đã từng XK thì cũng quen với những rào cản kỹ thuật đó rồi. Tuy nhiên, đối với các DN trong nước nếu không chuẩn bị trước điều kiện hội nhập thì Hiệp định EVFTA chính là thách thức, khó khăn.

Khi đã vào “sân chơi” chung, các DN buộc phải vượt qua các rào cản kỹ thuật, có thể là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cấp cải tiến về máy móc thiết bị, cải tiến về công nghệ, nâng cao năng suất người lao động bằng cách giảm dần thâm dụng sức lao động chân tay chuyển dần qua sử dụng máy móc để nâng cao năng suất lao động, mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam có hơn 90% là DN vừa và nhỏ, để tận dụng được những ưu đãi thuế từ thị trường EU và cạnh tranh trực diện với hàng nhập khẩu từ EU tràn vào Việt Nam, thì DN cần phải nỗ lực rất nhiều.

Nhằm hỗ trợ DN tiếp cận được thị trường XK, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) cho biết, dự án “Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) - Chuẩn hội nhập” đã được Hội DN HVNCLC và Bộ KH-CN đang nỗ lực triển khai đến nông dân, hợp tác xã, và cộng đồng DN. Đây là bước đi chủ động, đúng hướng và mang tính đón đầu cao khi Việt Nam vừa ký kết Hiệp định EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do khác.

Đó là cách làm kết hợp giữa chủ quan và khách quan, dựa trên tiêu chuẩn. Đường đi đã chuyển từ cách làm truyền thống – chỉ chú ý thị trường, chưa xem xét về chất liệu, chiều sâu kỹ thuật, thì bây giờ đã chú ý đến thị trường với yếu tố chất lượng và chuẩn mực cho sản phẩm.

Đây là cách tiếp cận kịp thời, khi mà yêu cầu của NTD ngày càng cao “Mục tiêu là không chỉ cho NTD trong nước được sử dụng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, mà cả NTD nước ngoài cũng biết đến và sử dụng các sản phẩm chất lượng, giá trị của Việt Nam”, ông Duy nói.

Thúy Hà
.
.
.