Đẩy mạnh xuất khẩu dịp cuối năm

Thứ Ba, 02/10/2018, 09:07
Theo thống kê, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang các thị trường lớn có tốc độ tăng trưởng khả quan, dự báo kết thúc năm 2018 sẽ đạt kết quả đề ra.

Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt cần có sự chủ động, tận dụng cơ hội để bứt phá, nâng cao được vị thế và tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9, tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 10% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 20,5 tỷ USD, giảm 12,7% và trị giá nhập khẩu ước đạt 19,8 tỷ USD, giảm 7%. 

Ước tính hết tháng 9, tổng kim ngạch XNK đạt 352,43 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó xuất khẩu ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4%; nhập khẩu ước đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8%. Như vậy, cán cân thương mại trong tháng 9 tính thặng dư 700 triệu USD, đưa mức thặng dư hết tháng 9 đạt 5,39 tỷ USD.

Thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận các thị trường khó tính.

Tại các thị trường kim ngạch XNK cũng có chiều hướng tăng, đơn cử như kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia tính đến tháng 8-2018 đạt hơn 5 tỷ USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 28%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn tương đối khả quan. Tháng 8-2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 4,891 tỷ USD, cao nhất kể từ đầu năm 2018...

Tuy nhiên, trong tháng 9, có đến 9/10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất có dấu hiệu sụt giảm kim ngạch so với tháng 8 trước đó. Cụ thể, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 4,5 tỷ USD trong tháng 9, giảm 12,8% so với tháng trước. 

Ước tính hết tháng 9, xuất khẩu hàng điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 36,13 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng dệt may ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng trước và nâng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 9 tháng lên 22,56 tỷ USD. 

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch trong 9 tháng đạt gần 21,65 tỷ USD, tăng 16,7%...

 Theo Cục Xuất nhập khẩu, để xuất khẩu bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì doanh nghiệp Việt cần tạo nguồn hàng có chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Bởi điều kiện tiên quyết là sản phẩm phải có chất lượng tốt. 

Chất lượng sản phẩm phải được kiểm soát qua cả một quy trình từ gốc cho đến sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, các chuyên gia thương mại khuyến cáo, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, mặc dù là thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng nhưng Hoa Kỳ lại là thị trường vô cùng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực, chủ động hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng, mới có thể thành công khi xuất khẩu.

Lưu Hiệp
.
.
.