Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa

Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:52
Hậu COVID-19, nhịp sống đã quay trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu hàng hoá, tiêu dùng cũng tăng lên. Trong khi xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn thì chính thị trường nội địa trở thành “cứu cánh” cho doanh nghiệp (DN).

Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 - tháng đầu tiên nền kinh tế ở trạng thái “bình thường mới”, ước đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước. 

Tính chung 5 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.

Người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể vượt con số 15 tỷ USD vào năm nay. Bởi, báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN. 

Tuy nhiên, đại diện VECOM cho biết, những dự báo lạc quan ngay từ đầu năm 2020 nêu trên đã chưa tính được những thử thách bất ngờ do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4-2020, hầu hết hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa, giải thể. 

“Dù vậy, COVID-19 dường như là một “chất xúc tác” làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, các DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch và hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa thứ hai của năm 2020,” đại diện VECOM đánh giá.

Nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, các DN thương mại điện tử đã tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến. Báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của Shopee cũng ghi nhận sự thay đổi đáng chú ý đối với danh mục sản phẩm thực phẩm và ngành hàng bách hóa trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, người dùng ưu tiên chọn mua sắm trực tuyến các mặt hàng thực phẩm nhiều hơn trước, với ghi nhận số lượt người dùng thường xuyên đặt mua thực phẩm trên Shopee trong tháng tăng đến 3,5 lần so với trước đó. 

Cụ thể, việc thực hiện giãn cách xã hội đã khiến cho nhu cầu mua sắm tại nhà của khách hàng trên sàn thương mại điện tử này tăng mạnh, nổi bật với nhóm sản phẩm bánh kẹo và thực phẩm nấu ăn tại nhà đã tăng gấp 3 lần. Tương tự, số lượng các sản phẩm làm từ sữa Shopee bán được cũng tăng gấp 7 lần; Dầu ăn, hải sản đóng gói, hạt ngũ cốc, các loại thực phẩm sấy khô ăn liền từ gà hoặc trái cây đều tăng đáng kể.   

Điều đó cho thấy sự thích ứng với môi trường số của người tiêu dùng gia tăng nhanh chóng, đây cũng mà mảnh đất màu mỡ mở ra nhiều dư địa cho ngành bán lẻ. Theo đó, các DN bán lẻ, phân phối cũng tận dụng nền tảng công nghệ để bán hàng, tiếp cận khách hàng một khách nhanh và thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, thị trường nội địa thời gian qua cũng đã khẳng định vị trí quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tiêu dùng tăng lên, các hoạt động kích cầu mua sắm được tung ra đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Đơn cử, hàng loạt các hoạt động kết nối nông đặc sản đã được tổ chức tại chuỗi siêu thị của Tập đoàn Central Retail hay hoạt động xúc tiến thương mại tại chỗ, các tuần hàng nông sản của các địa phương tại Hà Nội đã được Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, qua đây đã kết nối được các nhà sản xuất, phân phối lại với nhau, đặc biệt là giới thiệu bán sản phẩm của các địa phương tới người dân Hà Nội.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị GO/Big C.

Thông qua sự kiện này, Big C sẽ tìm kiếm thêm được nhiều nhà cung cấp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX kết nối với Big C để đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị của Big C lâu dài và ổn định. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị luôn có những chính sách giá tốt đối với khách hàng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu để kích thích người tiêu dùng chi tiêu mua sắm.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cho biết, việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đơn cử, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood – Intimex, nhiều chương trình được liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ, giá hợp lý, người tiêu dùng đánh giá cao. Bên cạnh đó, siêu thị cũng đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến, giúp người tiêu dùng đi chợ một cách thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Để thúc đẩy tiêu thụ nội địa, Bộ Công Thương cũng vừa có Công văn gửi UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, các doanh nghiệp phân phối phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19.

Đặc biệt, Bộ Công Thương tổ chức chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020” từ ngày 1/7 đến ngày 31/7/2020, trên phạm vi toàn quốc kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp sẽ được thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.

500 gian hàng khuyến mãi tại chương trình kích cầu tiêu dùng

Ngày 2/7, tại TP Hồ Chí Minh khai mạc “Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020”, do Sở Công Thương phối hợp với sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức. 

Chương trình nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế, đưa các hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố trở về trạng thái bình thường sau thời gian tạm ngừng, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Chương trình cũng góp phần hưởng ứng hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Có khoảng 500 gian hàng trưng bày, triển lãm, giới thiệu gồm sản phẩm chủ lực, sản phẩm bình ổn thị trường, sản phẩm của DN uy tín trên TP Hồ Chí Minh. Chương trình triển khai nhiều hoạt động khuyến mại, giảm giá, cho phép DN được tổ chức khuyến mại tập trung, giá trị khuyến mại được vượt mức 50% giá trị hàng hóa. (Thúy Hà)



Lưu Hiệp
.
.
.