Đào tạo lao động theo đơn đặt hàng

Chủ Nhật, 24/03/2019, 07:20
Đây được đánh giá là một trong những chủ trương thiết thực của tỉnh An Giang, gắn liền lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng đặt hàng với các cơ sở đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học… để được cung cấp người lao động theo đúng yêu cầu đặt ra.

Người lao động khi tham gia các lớp đào tạo nghề sẽ được thực hành trực tiếp trên máy móc, dây chuyền, công nghệ của doanh nghiệp. Lồng ghép với đó là các khóa học về pháp luật lao động và an toàn lao động. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, doanh nghiệp sẽ chủ động tiếp nhận, bố trí việc làm cho người lao động…

“Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đã góp phần tích cực trong việc đào tạo, nâng cao tay nghề, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Đồng thời, góp phần giảm nghèo bền vững, giúp đạt các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn các xã trong tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá hiệu quả của chủ trương đào tạo người lao động theo đơn đặt hàng.

Học viên tham gia lớp đào tạo trung cấp nghề.

Theo kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, An Giang là tỉnh có dân số đông với trên 2,1 triệu người (đứng thứ 6 cả nước). Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60% so tổng dân số của tỉnh. Hàng năm, có trên 20.000 người bước vào tuổi lao động. Tuy nguồn lao động dồi dào, song trình độ học vấn, tay nghề của đa số người lao động còn thấp, cơ hội tìm kiếm việc làm ở doanh nghiệp, khu chế xuất hiện nay còn hạn chế.

Bà Thái Thị Bạch Lan, Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang chia sẻ: “Người học chỉ có xu hướng, tâm lý học đại học, chưa coi trọng học nghề, chưa coi nghề là nghiệp khiến mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực tại địa bàn tỉnh. Trong khi đó, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp đang rất lớn. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề hiện nay còn nhiều yếu kém, chủ yếu dạy “chay”, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, từ năm 2014, đơn vị đã tích cực làm cầu nối để người lao động được đào tạo, thực tập trực tiếp tại các doanh nghiệp để cọ sát, có thêm kinh nghiệm”.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, để đề án thực sự đạt hiệu quả, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở LĐTB&XH, các cơ sở đào tạo chủ động đến “gõ cửa” doanh nghiệp để ký kết, hợp đồng cung cấp lao động theo đúng nhu cầu doanh nghiệp đang cần. Mới đây, tỉnh An Giang cũng đã triển khai đề án “Đào tạo lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, giai đoạn 2017-2020”.

Trong đó, nổi bật là hợp đồng ký kết giữa Công ty Cổ phần Nam Việt và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang về việc đào tạo trình độ trung cấp nghề nuôi trồng thủy sản gắn với mô hình công nghệ cao của doanh nghiệp, thời gian đào tạo là 2 năm.

“An Giang mong muốn không chỉ đào tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp tỉnh nhà, mà tương lai gần sẽ đáp ứng nguồn lao động có chuyên môn cho doanh nghiệp ngoài tỉnh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung ở Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai…” – ông Bình chia sẻ. 

Trần Lĩnh
.
.
.