Chứng khoán, bất động sản góp phần tăng thu ngân sách

Thứ Bảy, 10/07/2021, 09:03
Đây là số thông tin được Tổng cục Thuế công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra chiều 9/7. Theo đó, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 58,8% dự toán, bằng 114,3% so cùng kỳ. Kết quả này có được một phần đến từ những khoản thu vượt trội như chứng khoán, bất động sản...


Thu ngân sách đạt 58,8% dự toán

Thông tin tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan thuế các cấp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát tại nhiều khu vực trên toàn cầu với những biến chủng mới, nguy hiểm hơn, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong đó có những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam tại một số khu vực như châu Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á... 

Trong bối cảnh khó khăn đó, ngành Thuế đã thu ngân sách ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, bằng 114,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 87,8% cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ. 

Bất động sản sôi động góp phần tăng thu ngân sách.

Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ. “Nếu loại trừ các khoản thu đột biến trong 6 tháng đầu năm và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 6 tháng tăng 4% so với cùng kỳ, thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Cũng theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, được đánh giá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020, trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ôtô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm. 

Cụ thể, thứ nhất, khối các ngân hàng thương mại có số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng. 

Thứ hai, tăng thu thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng. 

Thứ ba, thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng.

Thứ tư, thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12-2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, dẫn đến số thu ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tăng thu 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...

Bùng nổ  tình trạng bán nhà hai giá để trốn thuế

Thời gian qua, cơn “sốt đất” bùng phát giúp việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất cũng tăng lên, theo đó, thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng mua bán nhà đất vẫn còn khá thấp. Cục Thuế Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau có không ít trường hợp người dân khai không đúng giá giao dịch mua bán bất động sản, trong đó có cả các trường hợp do tư vấn trái pháp luật. Hậu quả có thể ảnh hưởng lâu dài tới tất cả bên mua, bán và các đơn vị liên quan.

Việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản không phù hợp trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế nhằm mục tiêu giảm số thuế phải nộp, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nội dung pháp lý phát sinh trong quá trình sử dụng bất động sản như: khi phát sinh khiếu nại, kiện cáo, tố cáo, đền bù và các tình huống pháp lý khác. Trong đó, việc xác định, khai báo sai giá trị tài sản để nhằm giảm tiền thuế phải nộp có thể gây nên những phiền hà, thiệt hại nếu cơ quan thuế, cơ quan bảo vệ pháp luật xác minh khi nghi ngờ có sự khai gian nhằm trốn thuế.

Thực tế, thời gian qua, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều trường hợp kê khai giảm giá trị chuyển nhượng nhà đất để “né thuế”. Điển hình như mới đây Chi cục Thuế quận 10 (TP Hồ Chí Minh) đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an quận 10 đề nghị điều tra dấu hiệu trốn thuế từ vụ chuyển nhượng căn hộ tại dự án Hado Centrosa Garden (quận 10). Theo hồ sơ, giá bán căn hộ thuộc dự án trên là gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi bán lại căn hộ, hợp đồng thể hiện giá chuyển nhượng chỉ 1 tỷ đồng. Quá trình giải quyết, cơ quan thuế thấy có dấu hiệu kê khai giá thấp đã mời bên bán lên làm việc.

 Tuy nhiên, sau nhiều lần mời nhưng chủ đầu tư không đến, do vậy cơ quan thuế làm theo đúng quy trình là gửi tin báo tội phạm cho cơ quan điều tra. Theo một cán bộ thuế, chiêu thức trốn thuế thường được chủ đầu tư và khách hàng thực hiện là hai bên sẽ làm một hợp đồng giá thấp để kê khai thuế và một phụ lục hợp đồng ghi đúng giá để tránh bị "lật kèo". Sau đó, hợp đồng có giá trị thấp sẽ được gửi lên cơ quan thuế để nộp thuế. Không những thế, tại nhiều dự án bất động sản, khách mua nhà còn đồng thuận để chủ đầu tư ghi giá thấp trong hợp đồng mua bán, chấp nhận trả thêm tiền chênh ngoài để giúp chủ đầu tư trốn thuế. Khoản tiền chênh ngoài được hợp thức bằng những hợp đồng tư vấn dịch vụ hoặc chủ đầu tư giao trực tiếp cho đơn vị môi giới thu…

Tổng cục Thuế cho biết, để xử lý tình trạng này, ngành thuế chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp quyết liệt nhằm chặn kẽ hở lách thuế này. Theo đó, cán bộ thuế sẽ kiểm tra kỹ những hồ sơ kê khai thuế, nếu thấy có sự chênh lệch, bất thường với giá trị thị trường sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá thẩm định lại giá trị đất tại dự án đó…

Hà An
.
.
.