Cần “nhạc trưởng” để liên kết, phát triển du lịch

Thứ Tư, 13/12/2017, 09:55
Tổng cục Du lịch cho biết, với các di tích nổi tiếng thế giới: Nhà tù Côn Đảo, Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Rừng Sác - Cần Giờ... đủ sức tạo nên một vòng tour hấp dẫn du khách quốc tế.


Tuy nhiên, thời gian qua, lượng khách đến khu vực này chủ yếu là khách nội địa, thời gian nghỉ ngắn, tập trung vào cuối tuần và các ngày lễ, Tết. Du lịch vùng Đông Nam Bộ chưa có sự kết nối giữa các sản phẩm đặc thù của từng địa phương, dẫn đến chưa tạo được chuỗi tham quan, giữ chân du khách dài ngày.

Tiềm năng chưa được “đánh thức”

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch thành phố trong những năm qua đã khẳng định là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Số lượng khách du lịch đến với thành phố tăng theo từng năm.

Cần “nhạc trưởng” để liên kết du lịch Đông Nam Bộ phát triển.

Tuy đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng ngành Du lịch thành phố vẫn còn không ít vấn đề cần khắc phục như chưa hoàn thành việc xây dựng Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố; nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch còn ít; sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện chưa đồng bộ; sự liên kết hoạt động giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và giữa lĩnh vực du lịch với các ngành khác còn rời rạc; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, chưa đăng cai, chưa tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao lớn, đẳng cấp để khẳng định Thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh ngang tầm với khu vực Đông Nam Á.

Tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách vẫn chưa được giải quyết triệt để,… Mặt khác, các cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng vào khu vực và thế giới.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), với 3 mặt giáp biển, khí hậu ấm áp quanh năm, được thiên nhiên ban tặng lợi thế đặc biệt để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Thế nhưng, chỉ có lượng khách nội địa bình dân đến với biển BR-VT, còn du khách quốc tế đến tỉnh này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Kể từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, tỉnh BR-VT đón từ 70 - 80 chuyến tàu khách quốc tế ghé thăm và mang theo 1.500 - 3.000 du khách mỗi chuyến. Nhưng chỉ khoảng 10% du khách ghé thăm các điểm du lịch ở BR-VT, còn 90% khách đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

Thời gian qua, tại BR-VT, nhiều dự án du lịch lớn cũng đã triển khai và đi vào hoạt động như Hồ Tràm Strip, các dự án du lịch ở huyện Xuyên Mộc. Động thái này được coi là những giải pháp để thu hút khách du lịch quốc tế cũng như xây dựng thương hiệu cho du lịch BR-VT. Tuy nhiên, có không ít trường hợp lập dự án rồi xây hàng rào chờ thời, khiến UBND tỉnh BR-VT phải ra quyết định thu hồi.

Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, có đường biên giới dài 204km giáp với nước bạn Campuchia, tỉnh Bình Phước cũng có nhiều tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn như trảng cỏ Bù Lạch, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, rừng Tây Cát Tiên, núi Bà Rá, thác Mơ...

Ngoài ra, còn nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như khu Căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, kho xăng Lộc Quang, căn cứ cách mạng Sóc Bom Bo, Phú Riềng Đỏ. Bên cạnh đó, hơn 40 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, có sự đa dạng về văn hóa… Với những đặc điểm trên, Bình Phước có thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái để chiêm ngưỡng thiên nhiên và du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử và đời sống văn hóa các dân tộc ở địa phương.

Tuy nhiên, nhiều du khách khi đến thăm thú vùng đất này đã ví von: “Vẻ đẹp thiên nhiên của Bình Phước như nhan sắc một cô gái đang tuổi xuân thì, nhưng còn mãi ngủ”. Do tiềm năng du lịch chưa được “đánh thức”, lượng du khách đến Bình Phước còn khá khiêm tốn.

Xác định “nhạc trưởng”

Tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử chiến khu D (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai), cho rằng xét về vị trí địa lý, lịch sử và tốc độ phát triển, TP Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao thông chính. Khách quốc tế đến phía Nam đều phải qua TP Hồ Chí Minh, trong khi các tỉnh, thành trong khu vực lại đang mong muốn thu hút thêm nhiều khách quốc tế.

“Do đó TP Hồ Chí Minh phù hợp với vai trò “nhạc trưởng” gắn kết, điều phối du lịch vùng nhất. Tuy nhiên, để gắn kết được các tỉnh, thành và chọn “nhạc trưởng điều phối vùng, trước hết các Hiệp hội Du lịch của các tỉnh, thành cũng phải chủ động phát huy vai trò kết nối trước”, ông Hà nói.

Ông Ngô Bá Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Bình Châu cho rằng, điểm lại 8 tỉnh, thành Đông Nam Bộ theo Quy hoạch phát triển vùng của Chính phủ (TP Hồ Chí Minh, BR-VT, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang), mỗi tỉnh đều có một sản phẩm du lịch chủ đạo xuất phát từ đặc thù vị trí địa lý, địa hình. Nếu khai thác theo chuỗi để thu hút khách quốc tế, các sản phẩm của các tỉnh, thành sẽ bổ sung cho nhau mà không tạo nên áp lực cạnh tranh.

Để tăng sức hút đối với khách quốc tế, đề nghị Tổng cục Du lịch hỗ trợ về liên kết và quảng bá theo các chương trình xúc tiến du lịch ở nước ngoài của Tổng cục Du lịch cho vùng Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó, các ý kiến nêu ra tại hội thảo cũng đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng trong thu hút chiến lược vào lĩnh vực du lịch; khuyến khích cộng đồng cùng tham gia làm du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng và phù hợp, hài hòa với bản sắc văn hóa của mỗi địa phương trong vùng…

Theo TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Viện sẽ đề xuất với Tổng cục Du lịch giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng và xác định vai trò “nhạc trưởng” cho du lịch vùng Đông Nam Bộ. Viện cũng sẽ tăng cường quảng bá vùng Đông Nam bộ trong các chương trình quảng bá quốc tế của Tổng cục Du lịch.

Hải Âu
.
.
.