Cách nào khơi thông xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc?
- Gỡ 3 “nút thắt” để phát triển xuất khẩu nông sản Việt Nam
- Doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc
- Nhiều giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt
- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch ra thị trường thế giới
Vướng quy định xuất xứ, chất lượng
Theo Bộ Công Thương, đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.
Tuy nhiên, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.
Dự báo tình hình xuất khẩu nông sản trong thời gian tới sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức. |
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn trong 8 tháng đầu năm có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2018, nhất là hàng xuất khẩu; kim ngạch xuất hàng qua các cửa khẩu phụ giảm. Cụ thể, XNK hàng hóa qua các cửa khẩu thuộc địa bàn đơn vị quản lý đến hết tháng 8-2019 đạt 2.343 triệu USD, giảm 19,35 % so với cùng kỳ năm 2018. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là hoa quả, nông sản, gỗ mỹ nghệ… Hàng nhập khẩu chủ yếu là linh kiện, máy móc thiết bị, nguyên liệu vật tư phục vụ sản xuất, phương tiện vận tải; sắt thép; hàng tiêu dùng…
Theo lý giải của Cục Hải quan Lạng Sơn, nguyên nhân là do phía Trung Quốc tăng cường công tác quản lý chất lượng, nguồn gốc đối với hàng nông, lâm thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc. Có thời điểm một số mặt hàng nông sản do chưa đủ điều kiện nhập khẩu vào Trung Quốc (chanh leo, sầu riêng…) bị ùn ứ tại cửa khẩu gây thiệt hại cho doanh nghiệp và thương nhân buôn bán mặt hàng này. Đồng thời phía Trung Quốc thắt chặt, hạn chế việc xuất khẩu hàng (tạm nhập – tái xuất; kho ngoại quan ) qua các cửa khẩu phụ lối mở.
Cần tăng cường quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan.
Mặc dù vậy, “hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, xuất khẩu và cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu”, Bộ Công Thương nhận định.
Để xuất khẩu thành công vào thị trường Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, cần tăng cường quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ khâu sản xuất đến gia công xuất khẩu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP. Việc đáp ứng các yêu cầu, quy định nêu trên là điều kiện tiên quyết nếu hàng nông thủy sản Việt Nam muốn xuất khẩu thành công sang thị trường này.
Dự báo về tình hình xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ do. Không chỉ Trung Quốc, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.