Nhiều giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt

Chủ Nhật, 30/12/2018, 09:40
Trong nhiều thị trường thì Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam. Với hàng loạt quy định về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm đã, đang và sắp được Trung Quốc siết chặt, cơ quan chức năng Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định với kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây tăng trung bình hơn 20%/năm.

Tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc đối với các sản phẩm nông sản vẫn còn rất lớn. Mặc dù là thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc đang có sự thay đổi nhanh chóng. Điển hình với mặt hàng gạo, năm 2017, Trung Quốc nhập từ Việt Nam tới 2,2 triệu tấn nhưng năm 2018 con số này mới dừng lại ở 1,3 triệu tấn. Nguyên nhân là do nhu cầu gạo của người dân Trung Quốc thay đổi theo hướng tăng sử dụng các sản phẩm gạo chất lượng cao.

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu chính của nhiều loại nông sản Việt Nam. Ảnh: minh hoạ Internet.

Theo Thứ trưởng Bộ NN &PTNT Trần Thanh Nam, nếu trước đây Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính thì hiện nay thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch. Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về kiểm dịch hàng hóa. Riêng sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.

Ông Hoàng Khánh Hoà, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, vừa qua phía Hải quan Lạng Sơn đề nghị Hải quan Bằng Tường và Nam Ninh cung cấp một số thông tin liên quan đến quản lý hàng hoá nông sản NK vào Trung Quốc; các quy định về kiểm dịch, kiểm tra hải quan; các giải pháp để tạo thuận lợi đối với hàng nông sản của Việt Nam.

Phía Hải quan Bằng Tường và Nam Ninh cho biết, các quy định về quản lý giám sát, kiểm dịch hàng thuỷ sản, nông sản chăn nuôi NK từ Việt Nam, phía Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp như: Xét duyệt cấp phép đối với kiểm dịch nghiêm ngặt đầu vào, thực hiện phê chuẩn cấp phép kiểm dịch; đăng ký (lập hồ sơ) đối với DN sản xuất và XNK nước ngoài, nếu không có giấy chứng nhận sẽ không được làm thủ tục xét duyệt và không được phép NK; kiểm nghiệm, kiểm dịch tại chỗ bằng việc thực hiện kiểm tra trọng điểm để phát hiện vật thể gây hại, bao bì, tem nhãn, đóng gói, kiểm dịch phải đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…

Việt Nam đã đàm phán để phía Trung Quốc giãn lộ trình áp dụng yêu cầu về lô hàng phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng từ tháng 12-2018 sang tháng 6-2019 mới áp dụng. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam còn 6 tháng chuẩn bị để đáp ứng quy định của Trung Quốc. Ông Đào Việt Anh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cũng khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ về quy định kiểm dịch hàng hóa để tránh bị thiệt hại.

Cùng đó trong sản xuất, doanh nghiệp cần áp dụng các quy trình sản xuất tốt (GAPs, GAHPs, GAqPs), hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường. DN cần xác minh uy tín của đối tác, ký hợp đồng dài hạn, không giao dịch manh mún để tránh gặp rủi ro khi xuất khẩu hàng vào Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, nhất là các hội chợ lớn để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác uy tín, đồng thời trưng bày, quảng bá sản phẩm.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, việc xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc trong tháng cuối năm có nhiều thuận lợi.

Trân Trân
.
.
.