Áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế giảm đáng kể

Thứ Tư, 17/10/2018, 15:18
Ngày 17-10 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư”.

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018, CIEM đánh giá, giai đoạn 9 tháng đầu năm đã giúp hình dung tốt hơn về bối cảnh và kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2018. Tăng trưởng kinh tế không suy giảm liên tục qua các quý như trước đây đã lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Việt Nam bước vào quý III với những kỳ vọng và lo ngại đan xen nhưng đã đạt được kết quả tốt và đã đạt được mức tăng trưởng 6,88%. Tăng trưởng không giảm dần theo các quý như những tháng đầu năm mọi người đều lo ngại.

CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%

Theo đó, CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%”, Trưởng ban Ban Chính sách vĩ mô – CIEM Nguyễn Anh Dương cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại (và kết quả, nếu có) giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như độ nhất quán chính sách của Mỹ sau bầu cử giữa kỳ. 

Bên cạnh đó, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. 

Tiếp đến là các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá. Ngoài ra, tiến triển trong quá trình đàm phán/phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới (RCEP, CPTPP, EVFTA) có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh yêu cầu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nhằm tạo thêm dư địa chính sách và cải thiện khả năng chống chịu trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Song song là những nỗ lực vận động, thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do quan trọng và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân.

Lưu Hiệp
.
.
.