Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát

Thứ Sáu, 30/09/2016, 10:08
Nhận định về kinh tế 9 tháng đầu năm tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016, ngày 29-9, tại Hà Nội, TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kinh tế - xã hội Việt Nam trong 9 tháng mặc dù gặp khó khăn nhưng tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động tăng cao; thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá…

Hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ảnh hưởng tăng trưởng GDP.

Cụ thể, GDP 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,04%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, nguyên nhân tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp trong 9 tháng vừa qua nằm ở chỗ: ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút, nhất là khai thác dầu thô và than đá và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Các khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,50%, đóng góp 2,52 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 6,66%, đóng góp 2,55 điểm %. Trong khu vực dịch vụ, mức tăng của một số ngành có tỷ trọng lớn như bán buôn và bán lẻ tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,71%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,38%; hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục được cải thiện, đạt mức tăng 3,66%...

Đặc biệt, báo cáo của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh vào ngành sản xuất nông nghiệp, nêu rõ: Trong 9 tháng qua, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân tại vùng bị thiên tai.

Hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, xâm nhập mặn đã vào đến vùng lõi của Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Do đó, ngành nông nghiệp cần có các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và khắc phục những bất cập từ biến đổi khí hậu, đồng thời tu bổ, nạo vét hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi ngăn mặn, xây dựng các hồ chứa để giữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Với ngành chế biến, chế tạo, 9 tháng năm 2016 phát triển khá ổn định và có mức tăng trưởng khá cao, nên toàn ngành công nghiệp vẫn ổn định ở mức tăng trưởng 7%.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, 9 tháng đầu năm, lạm phát duy trì mức thấp; xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng cuối cùng và tích lũy của nền kinh tế tăng cao, đời sống của nhân dân tiếp tục được duy trì và cải thiện; dư nợ tín dụng tăng trên 10%; thanh khoản Việt Nam đồng của toàn hệ thống vẫn tiếp tục được đảm bảo, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ về cơ bản được ổn định và thông suốt.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả quan trọng đạt được, kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Tốc độ tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, xuất nhập khẩu chưa có nhiều cải thiện.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, một trong trong những giải pháp mà Tổng cục Thống kê đề xuất là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế; tập trung thực hiện đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích nghi với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chú trọng các chính sách tài chính giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch.

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ cũng cho rằng, nên khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định; tăng cường và thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Chúng ta cần nắm rõ các quy định về khung pháp lý của thị trường, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời; chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết”, bà Thủy nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.